Ngành dệt - may dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu

Thứ bảy, 02/01/2010 11:35

Năm 2009 khép lại với đầy khó khăn, thách thức không chỉ với ngành dệt - may Việt Nam. Mặc dù vậy, xuất khẩu của ngành năm 2009 vẫn tương đối khả quan, là ngành duy nhất duy trì kim ngạch xuất khẩu không bị sụt giảm so với năm 2008, ước đạt 9,1- 9,2 tỷ USD.

Bước sang năm 2010, ngành dệt - may hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10-10,5 tỷ USD, tiếp tục là ngành xuất khẩu mũi nhọn của cả nước và phấn đấu lọt vào top 5 của những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới trong năm năm tới.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực vào sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành dệt may Việt Nam. Người tiêu dùng tại các nước phải thắt chặt chi tiêu. Nhu cầu tiêu dùng tại các nước vốn là thị trường chủ lực của ngành dệt may Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... đã sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các nhà bán lẻ lớn như Limited, JC Penny, Macy, Ann Taylors... đã đóng bớt hệ thống cửa hàng của họ và giảm lượng đặt hàng tại các nước sản xuất, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, thời gian qua một số DN không có đơn hàng, nhiều DN đầu tư của Hàn Quốc và Ðài Loan đã đóng cửa hoặc giảm đáng kể sản xuất. Một bộ phận khá lớn lao động của các DN trong ngành đã bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập do giảm giờ làm. Người lao động lo lắng cho cuộc sống của họ, còn người sử dụng lao động cũng đau đầu với việc duy trì hoạt động của DN.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của ngành dệt may năm 2009 tương đối khả quan, là ngành duy nhất giữ vững được kim ngạch xuất khẩu như năm 2008, ước đạt 9,1-9,2 tỷ USD, trong đó, thị trường Mỹ giảm 5%, EU giảm 3,5%, nhưng thị trường Nhật Bản tăng 15% và nhiều thị trường mới tăng như Trung Ðông: tăng 13%, Hàn Quốc tăng 67%, ASEAN tăng 29%, Ấn Ðộ tăng 60%.... Trong khi đó, do chủ động về nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước nên kim ngạch nhập khẩu của ngành về vải giảm 6,9%; về sợi dệt giảm 0,3%; về bông giảm 15,3%. Ước tính năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu phục vụ hàng dệt may xuất khẩu là khoảng hơn 5 tỷ USD. Như vậy trong năm 2009, ngành dệt may Việt Nam đã "xuất siêu" ước tính 4 tỷ USD, đóng góp một phần không nhỏ trong việc giảm "nhập siêu" của Việt Nam; tăng tỷ lệ nội địa hóa của hàng dệt may Việt Nam lên 44% so với mức 38% của năm 2008. Ðạt được kết quả trên là một nỗ lực lớn của các DN trong ngành, của hàng triệu lao động trong điều kiện các thị trường tiêu dùng và nhập khẩu chính đều suy giảm mạnh, và hầu hết các nước xuất khẩu đều bị giảm kim ngạch xuất khẩu.

Làm thế nào để trụ được và vượt qua cơn bão suy thoái toàn cầu? Ðây là câu hỏi rất khó mà mỗi DN phải tìm cho ra lời giải cụ thể phù hợp với hoàn cảnh của mình. Công thức chung mà số đông các DN dệt may đã áp dụng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế là "tích cực phòng thủ và chủ động tiến công". "Phòng thủ" bằng cách tập trung hoạt động vào mặt hàng và thị phần cốt lõi với một chi phí thấp nhất có thể, bám sát thị trường, khách hàng xuất khẩu hiện có, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, giảm giá thành để có được giá bán phù hợp thị trường, nhưng vẫn duy trì được lao động, thu nhập ổn định. Chủ động "tiến công" là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và có chính sách nghiên cứu, tiếp thị phù hợp từng thị trường, khai thác thế mạnh làm hàng chất lượng cao để tăng giá trị gia tăng, giao hàng đúng hạn, đáp ứng cả những đơn hàng số lượng ít, thiết kế mẫu đối chào hàng trong thời gian nhanh nhất cho đến việc rút ngắn thời gian giao hàng cho khách hàng và các tiêu chí bảo vệ môi trường sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, xây dựng mối quan hệ hài hòa với người lao động, chăm lo đời sống của người lao động để họ yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn lực cho phát triển.

Nhiều DN tìm kiếm "thị trường ngách" mà Việt Nam có lợi thế để mở rộng thị trường xuất khẩu và có chiến lược tiếp cận đặc biệt với thị trường Nhật Bản để khai thác tốt Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản thông qua việc cung ứng nguyên liệu, nhất là vải cho các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Tập trung khai thác thị trường mới tại Trung Ðông, Nam Phi, Nga, nhiều mặt hàng sợi cao cấp, sợi trung bình đã đột phá, tìm được những hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Ðông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Trung Quốc. Các mặt hàng áo giắc-két, măng-tô, ve-xtông, khăn các loại, vải cao cấp đã có thêm hợp đồng mới tại thị trường EU, Trung Ðông, Nhật Bản, Mỹ... Nhờ đó, tỷ trọng sản xuất hàng FOB tăng do nhiều DN đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nguyên phụ liệu. Một số DN thu hút khách hàng từ các thị trường mới khai thác với những đơn hàng là những sản phẩm riêng biệt, ít bị cạnh tranh như quần áo trượt tuyết, quần lót nam, nữ...

Thực tế cho thấy qua cơn khủng hoảng tài chính nói trên, nhiều DN điển hình như các Tổng công ty Việt Tiến, Phong Phú, Dệt may Hà Nội, May 10, Ðồng Nai, Ðức Giang, May Nam Ðịnh, Hồ Gươm,... đã phát hiện ra cơ hội kinh doanh mới, tận dụng được cơ hội để chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ ngay sau khi nền kinh tế phục hồi, chủ động tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới như châu Phi, Trung Ðông, Ðông Âu, châu Á...

Trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới dần hồi phục, mức tiêu dùng sẽ dần dần tăng trở lại, thị trường dệt may thế giới đã có tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, do chi phí cao, sản xuất dệt may tại một số nước như Nam Mỹ, Trung Mỹ và Ðông Âu có xu hướng dịch chuyển sang các nước châu Á, nơi có lợi thế cạnh tranh về lao động, trong đó có Việt Nam nên toàn ngành phấn đấu năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu 10 - 10,5 tỷ USD.

Ðể đạt được mục tiêu xuất khẩu 10-10,5 tỷ USD trong năm 2010, ngành dệt may Việt Nam tập trung vào bốn giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tổ chức lại sản xuất, tìm mọi cách tiết giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, phần mềm quản lý để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Tận dụng cơ hội thu hút đơn hàng, duy trì được và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm được khách hàng mới, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Chú trọng đến việc xây dựng liên kết chiến lược với các khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, khách hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của họ.

Hai là, tái cấu trúc sản xuất ngành may, di dời các xưởng sản xuất về các thị tứ và vùng nông thôn tiện đường giao thông, cơ sở tại thành phố chỉ tập trung sản xuất hàng cao cấp và phát triển kinh doanh nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và chi phí tăng nhanh. Linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh. Ðồng thời quan tâm đúng mức đến việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp sản xuất vải (dệt, in, nhuộm, hoàn tất), có hệ thống xử lý nước thải nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp các DN may mặc bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu phong phú, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng linh hoạt đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách hàng, sẵn sàng tham gia có hiệu quả vào Liên minh các DN có chất lượng dịch vụ cao ASEAN (AFSA).

Ba là, thời trang hóa ngành dệt may, tăng cường đào tạo thiết kế, ma-ke-tinh sản phẩm thời trang, phát triển thương hiệu sản phẩm, chuyển dần từ phương thức gia công đơn thuần sang việc chào bán sản phẩm với nguyên liệu và thiết kế do DN chủ động nhằm mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và bảo đảm sự phát triển bền vững, lâu dài cho DN.

Bốn là, tiếp tục chăm lo đời sống của người lao động để họ yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn lực cho phát triển. Khẩn trương ký kết thỏa ước lao động tập thể và triển khai thực hiện đến các cơ sở, giúp ổn định lao động và hạn chế đình công tự phát.

LÊ QUỐC ÂN
Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam,
Chủ tịch HÐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực