Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số

Thứ tư, 30/09/2020 20:44
(ĐCSVN) - Ngày 30/9, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội thảo “Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả”.
 Các chuyên gia trình bày tại Hội thảo.

Hội thảo diễn ra với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hiệp hội DN, luật sư và các đối tượng nghiên cứu thực hành luật khác, các công ty luật hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về logistics, tư vấn hợp đồng, giải quyết tranh chấp, cũng như các cơ quan truyền thông và báo chí.

Hội thảo “Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả” là nơi chia sẻ thông tin của những chuyên gia, những nhà phân tích kinh tế và pháp lý hàng đầu trong lĩnh vực Logistics không chỉ được đánh giá cao tại Việt Nam mà còn có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là dịp để chính những người trong cuộc trao đổi, chia sẻ góc nhìn, hiểu biết của bản thân; cung cấp những thông tin có giá trị và hữu ích cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics nói riêng; phân tích những tiềm năng và thách thức, những thuận lợi và khó khăn trong thực tế mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi tham gia vào ngành này tại Việt Nam đồng thời đưa ra những gợi mở về phương hướng giải quyết, xử lý sao cho nhanh chóng, thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

Hội thảo được chia làm bốn phần: (1) Thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp nói dung và doanh nghiệ ngành Logistics nói riêng; (2) Công cụ chuyển đổi số, tiềm năng cũng như thách thức khi áp dụng công nghệ vào hoạt động Logistics; (3) Khung pháp lý va những tranh chấp liên quan đến “số hóa” trong lĩnh vực Logistics; (4) Vấn đề pháp lý khi ứng dụng công nghệ vào giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ Logistics.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. “Hiện tượng” này được thúc đẩy và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn khi làn sóng COVID – 19 xuất hiện, các hoạt động cách ly diễn ra thì việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý doanh nghiệp càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Về quy trình chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ Logistics đến khách hàng, ông Nguyễn Tương nhấn mạnh: Dịch vụ Logistics gồm nhiều mảng khác nhau chứ không đơn thuần là một hoạt động đơn lẻ, vì vậy khi thực hiện chuyển đổi số thì đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này cần phải có sự chuyển đổi đồng bộ. Để đạt hiệu quả cao, quy trình chuyển đổi số cung cấp dịch vụ đến khách hàng có rất nhiều điểm cần phải lưu ý. Một trong số đó là xây dựng nên nền tảng số cho chuỗi dịch vụ Logistics, giúp kết nối các các bên liên quan trong chuỗi (cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho,...) để chia sẻ dữ liệu, tăng tính hiện hữu cho chuỗi, nâng cao hiệu suất sử dụng, khai thác phương tiện, hiệu quả hoạt động và sản phẩm đầu tiên trên nền tảng số đó là eDO với công nghệ blockchain.

 Đại diện Doanh nghiệp tham dự Hội thảo.

Về phần mình, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đề cập đến xu hướng mới trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics nói riêng, đồng thời chia sẻ, trong thời đại công nghệ 4.0 thì công cụ chuyển đổi số ngày càng trở nên đa dạng từ cơ bản đến phức tạp. Chẳng hạn về mức độ cơ bản có thể kể đến nhóm công cụ tăng năng suất làm việc cá nhân như Skype, Zalo, Viber,… Ở mức độ phức tạp thì có thể kể đến việc sử dụng AI để kiểm soát các hoạt động trong dây chuyền sản xuất, phát triển hệ thống blockchain,…

Luật sư Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC, thành viên Tiểu Ban Tư vấn pháp luật Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) bên cạnh việc đưa ra những thông tin hữu ích về khung pháp lý đối với E – Logistics, đặc biệt là về những thuận thời và hạn chế sẽ gặp phải khi hoạt động kinh doanh, cũng như khi giao kết các hợp đồng, giải quyết tranh chấp, Ông còn cung cấp kiến thức thực tiễn về các vụ tranh chấp liên quan đến “số hóa” điển hình trong hoạt động Logistics như vụ tranh chấp về trả hàng nhầm - xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng (dùng vận đơn gốc hay loại đã nộp). Hay vụ đàm phán nội dung hợp đồng bằng email, cụ thể các bên (người vận chuyển và người thuê vận chuyển) đã xác nhận đồng ý nội dung hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế (bằng email) nhưng chưa ký bản giấy. Từ các phân tích nói trên, doanh nghiệp nên lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc tính ngành, nghề; đơn cử là những thuận lợi khi áp dụng điều khoản trọng tài giải quyết tranh chấp trong hoạt động Logistics.

Đưa ra lưu ý pháp lý điển hình trong hoạt động này, Luật sư Đặng Việt Anh - Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANHISA cho rằng, có thể nói, những rủi ro này phát sinh chủ yếu từ việc khung pháp lý trong giao kết hợp đồng điện tử chưa thật sự được chú trọng dẫn đến việc áp dụng pháp luật vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi khiến doanh nghiệp e ngại trong việc ứng dụng phương thức giao kết mới.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, giải đáp thắc mắc cụ thể cho doanh nghiệp, cung cấp các thông tin hữu ích không chỉ về hoạt động chuyển đổi số mà còn về các rủi ro pháp lý cần chú trọng…./.

 

Tin, ảnh: Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực