Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó

Thứ tư, 23/06/2021 09:44
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù dịch COVID-19 tác động đến chuỗi sản xuất nông sản, dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi, tác động của biến đổi khí hậu…nhưng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực vượt lên khó khăn.
 Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 tuy diện tích giảm nhưng năng suất tăng (Ảnh: BT)

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức

Những tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  NN&PTNT) triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn và thách thức như: dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy các nguồn cung ứng – tiêu thụ nông sản toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc…gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp khi dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh cúm gia cầm… có nguy cơ tái diễn và bùng phát trở lại. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.

Trên cơ sở nhận định tình hình, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT đã xác định: khó khăn nhiều, thách thức lớn, nhưng phải hết sức bình tĩnh, “nóng nhưng không vội” để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, biến “nguy thành cơ”, từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu. Với quyết tâm vượt khó, đoàn kết chặt chẽ, phối hợp triển khai với các địa phương, ngành NN&PTNT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, về sản xuất lương thực, năm 2021 kế hoạch của ngành đề ra sản xuất khoảng 43,19 triệu tấn lúa. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã đạt được 21 triệu tấn. Với vụ Đông Xuân vừa qua, tuy diện tích có giảm nhưng năng suất cao, đạt 68,2 tạ/ha, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 3 tạ/ha. Do vậy sản lượng 6 tháng dự kiến tăng 595 nghìn tấn.

Với kế hoạch sản xuất 43,19 triệu tấn lúa, sẽ phân cho tiêu dùng trong nước khoảng 14 triệu tấn, chế biến 7,5 triệu tấn, dự trữ 3 triệu tấn, hạt giống 1 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến 6,7 triệu tấn gạo, tương đương 13,5-13,8 triệu tấn lúa.

Về chăn nuôi, cùng rất nhiều các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, Bộ NN&PTNT đã cùng với các bộ, ngành, các tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo, do vậy, đã bắt đầu khống chế được dịch tả lợn châu Phi và phục hồi đàn lợn với tốc độ nhanh. Trên lĩnh vực thủy sản, năm 2021 dự kiến đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong 6 tháng đầu năm hiện đã đạt khoảng 4-4,1 triệu tấn, trong đó, khai thác 1,7 triệu tấn, nuôi trồng khoảng 2,3-2,4 triệu tấn.

Về tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản, trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã đạt 22,58 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như: cao su, chè, hạt điều, sắn…

Ngoài ra, hiện nay, cả nước có 5.282/8.267 xã (chiếm 63,9%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, đã có 335 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bình quân cả nước đạt 16,68 tiêu chí/xã. Hiện đã có 191/664 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, hết tháng 6/2021 có 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao

Mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, song Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay toàn ngành vẫn đang nỗ lực phấn đấu để đạt được các mục tiêu đề ra theo nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, năm 2021 đạt mức tăng trưởng khoảng 3%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 43-44 tỷ USD…

Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 và thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025, với tinh thần quyết liệt ngay trong ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu, quý đầu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, toàn ngành NN&PTNT sẽ tập trung vào các giải pháp kể cả trước mắt và lâu dài về việc phải tái cơ cấu ngành; phòng chống dịch bệnh và chủ động phòng chống thiên tai.

Trong đó, toàn ngành tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP), theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng. Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

Đáng chú ý, toàn ngành sẽ tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động như: đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam (hoa quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi,…) xuất khẩu chính ngạch trên cơ sở theo dõi sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường đối tác; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP,…

Cùng với việc quan tâm tới các thị trường, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước.

Để phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, toàn ngành ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, ngành NN&PTNT sẽ trình Chính phủ ban hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, toàn ngành sẽ tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, nhằm tạo ra các dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục vụ sản xuất cho ngành nông nghiệp,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực