Ngành thuế nỗ lực cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính

Thứ bảy, 27/02/2021 15:51
(ĐCSVN) – Thời gian qua ngành thuế đã đạt được những thành tựu về cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý, thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức toàn ngành thuế trong hội nhập và đổi mới. Năm 2021 ngành thuế đặt mục tiêu quan trọng là triển khai đồng bộ, toàn diện từ công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến hiện đại hóa hành chính, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm.
Thời  gian qua, ngành thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục Hành chính và đạt được nhiều kết quả tích cực (Ảnh: M.P)

Chuyển biến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính thuế

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 5 năm qua, ngành thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục Hành chính (TTHC) về thuế và luôn lấy doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT) làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách. Có thể nói cải cách TTHC là cả một quá trình và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: từ cải cách về thể chế; tổ chức quản lý và không thể thiếu đó là việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. 

Đây là giải pháp trọng tâm để thực hiện được những mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử và Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các Nghị quyết số 19 (2014-2018; năm 2019, 2020 là Nghị quyết số 02) về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, TP và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. 99,7% DN đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% DN tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử. Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp DN giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của DN được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, DN cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Ngành Thuế cũng phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký đất đai, hải quan, cơ quan Công an trao đổi thông tin giúp giảm thời gian xử lý TTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho NNT. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được giảm thiểu.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử đã tạo sự cách biệt về chi phí tuân thủ của thủ tục thuế với các nhóm thủ tục khác, và chứng minh rằng xu thế điện tử hóa việc thực hiện TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế.

Điều này cũng đã được cộng đồng DN khẳng định thông qua kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN năm 2019 do VCCI công bố. Theo đó sự hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm, (quy đổi ra tỷ lệ phần trăm là 78%), tăng 3% so với năm 2016.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong thời gian tới, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế sẽ rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực thuế, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian nộp thuế, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, DN. Tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thực hiện giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả; triển khai, vận hành có hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đánh giá tình hình giải quyết TTHC cho người dân, DN và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Ngành thuế sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính 

Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực từ công tác tác cải cách thủ tục hành chính, năm 2021 ngành thuế đặt mục tiêu quan trọng là triển khai đồng bộ, toàn diện từ công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến hiện đại hóa hành chính, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; tập trung nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của người nộp thuế.

Đặc biệt, trong năm 2021, ngành Thuế sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính; xác định rõ kết quả đạt được, những nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính theo quy định.

Ngành Thuế cũng sẽ thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế.

Tổng cục Thuế sẽ lấy kết quả cải cách hành chính hàng năm là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân.

Để đạt được những mục tiêu này, trước tiên, ngành Thuế sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Đặc biệt, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được lấy làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Thuế và yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngành Thuế cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thuế; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa số lượng văn bản quy định.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành Thuế trong năm 2021 là cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, ngành Thuế sẽ tập trung thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; đồng thời rà soát và đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thuế. Trong đó bao gồm các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo định kỳ, bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế. Từ đó tăng cường kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực