Ngành thủy sản giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 14-16 tỷ USD vào năm 2030

Thứ ba, 05/01/2021 18:58
(ĐCSVN) - Theo tờ trình 9361/TTr-BNN-TCTS mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu đạt từ 14-16 tỷ USD về giá trị kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.
leftcenterrightdel
 Ngành thủy sản Việt Nam hướng đến mục tiêu kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt từ 14-16 tỷ USD vào năm 2030 (Ảnh: BT)

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu phát triển ngành thủy sản Việt Nam thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030, ngành thủy sản hướng đến các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 7 triệu tấn, sản lượng khai thác 2,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Đi cùng với đó, ngành thủy sản còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tờ trình của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, đến năm 2045, phấn đấu đưa ngành thủy sản Việt nam trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến sâu về thủy sản, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới. Đặc biệt, ngành thủy sản giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, bảo vệ quốc phòng an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT có nhiệm vụ quan trọng trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Chiến lược, đồng thời xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thiện các chính sách về đầu tư, tài chính, tín dụng để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của Chiến lược. Đặc biệt, tờ trình cũng nêu rõ, các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp trong ngành thủy sản phối hợp với Bộ NN&PTNT tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm. Đi cùng với đó là việc tham gia xây dựng và phản biện các định hướng chiến lược, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển thủy sản; tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản, hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân,…

Theo tờ trình, ngành Thuỷ sản Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Quy mô ngày càng mở rộng và vai trò cũng tăng lên không ngừng trong nền kinh tế quốc dân, đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 cho thấy trong giai đoạn từ 2010-2019: cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%; sản lượng thủy sản tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5,0 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Ngành thủy sản đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thông qua đổi mới và phát triển các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất, đời sống người dân và hạ tầng thủy sản có những chuyển biến tích cực, tham gia hiệu quả vào công cuộc bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực