Ngành Thủy sản nỗ lực thực hiện mục tiêu, kế hoạch năm 2021

Thứ sáu, 23/07/2021 17:18
(ĐCSVN) - Để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản sẽ tập trung tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung; coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao, tôm hùm…; xem phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 6 tháng cuối năm 2021, thủy sản sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, đây là mùa mưa, bão, thời tiết diễn biến bất thường sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phấn đấu đạt các chỉ tiêu của ngành đề ra trong năm.

Theo đó, kế hoạch cả năm 2021, toàn ngành thủy sản phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,6 triệu tấn, bao gồm: sản lượng khai thác 3,85 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 4,75 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD.

Trước việc nhận định rõ các khó khăn, để tập trung cho thực hiện mục tiêu đề ra, Tổng cục Thủy sản cho biết, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, toàn ngành sẽ tập trung tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi đồng thời để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao, tôm hùm…; xem phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Căn cứ thực tiễn tại các địa phương, Tổng cục sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thuỷ sản; phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, loại bỏ các loại thức ăn, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, không bảo đảm an toàn ra khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Trên lĩnh vực khai thác, để đạt mục tiêu đã đề ra, Tổng cục sẽ chỉ đạo các địa phương theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết, nhất là trong những tháng có nhiều mưa bão để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền khai thác phù hợp nghề và nguồn lợi thủy sản.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân. Trong đó, hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản sẽ thực hiện chặt chẽ, quyết liệt đối với việc quản lý hạn ngạch khai thác hải sản. Mục tiêu nhằm giảm dần số lượng tàu cá khai thác. Đồng thời đẩy mạnh việc hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào công nghệ khai thác, nhất là công nghệ bảo quản sản phẩm hải sản, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản.

Cùng với các công tác trên, toàn ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và kiểm tra tính xác thực của chứng thư các lô hàng xuất khẩu biên mậu. Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm cá tra của một số doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp chế biến đang gia công; xử lý nghiêm vi phạm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đáng chú ý, sẽ tiếp tục đàm phán để khôi phục lại thị trường Ả Rập Xê Út - cửa ngõ để sản phẩm cá tra có thể đi tiếp đến các thị trường khác ở Trung Đông.

Hướng tới các mục tiêu đã đề ra, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo (trực tiếp tại địa phương; trực tuyến) để hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện hoạt động nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả trong điều kiện dịch COVID – 19 dự kiến tiếp tục diễn biến phức tạp, hoàn thành “mục tiêu kép” được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra. Đặc biệt, kiến nghị Bộ ưu tiên, bố trí nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển thủy sản trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 của Bộ và kế hoạch hàng năm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực