Nghệ An: Tạo đà phát triển cho ngành chế biến lâm sản

Thứ năm, 04/03/2021 09:16
(ĐCSVN) - Nghệ An là địa phương có nhiều lợi thế cho phát triển ngành chế biến lâm sản, tuy nhiên, hiện nay, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An” càng trở nên cần thiết, kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển mạnh mẽ cho ngành hàng này.

 Công nhân làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ ván thanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

(Nguồn ảnh: baonghean.vn)

Nhiều tiềm năng cho ngành chế biến lâm sản

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An là địa phương có nguồn nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hoá từ lâm sản, bao gồm gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ. Đến nay, toàn tỉnh có 965.000 ha đất có rừng, trong đó, diện tích rừng trồng hơn 180.000 ha, độ che phủ rừng đạt 58,5%; trữ lượng gỗ trên 91 triệu m3, trong đó, có trên 9,6 triệu m3 gỗ rừng trồng. Hàng năm, sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3.

Thời gian qua, công tác chế biến và thương mại lâm sản của tỉnh đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong đó, có thể kể đến, tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt mức khá cao, bình quân hàng năm trên 9%, chiếm cơ cấu ngày càng tăng trong sản xuất của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, bước đầu hình thành một số cơ sở chế biến sâu sản phẩm gỗ, đã mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người trồng rừng và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống giao thông đồng bộ, gồm: đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu...liên kết với toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh.

Thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhu cầu cấp thiết

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh và kết quả đạt được nêu trên thì lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh rừng, khai thác rừng, đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển, chưa hình thành được chuỗi giá trị.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, qua nhiều khâu trung gian, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chưa tạo được thương hiệu và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao.

Thứ nữa, các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ còn manh mún tự phát, chưa thực sự chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt thiếu tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, việc ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp được tính đến cho ngành gỗ. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng thể hiện sự hiệu quả vượt trội trong quá trình quản lý, sản xuất.

Với những yêu cầu tất yếu của thực tiễn đặt ra, việc đầu tư xây dựng “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An” càng trở nên cấp thiết hơn. Vừa qua, Đề án đã được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351 ngày 3/10/2020 của Văn phòng Chính phủ. Hiện tại, tỉnh Nghệ An và Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án.

Với Đề án “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An”, sẽ có 3 phân khu chức năng bao gồm: Trung tâm sản xuất giống và khu rừng trồng khảo nghiệm, trình diễn, trồng rừng thâm canh, trồng cây dược liệu lâm sản ngoài gỗ; khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao với hệ thống vận hành chế biến chuyên sâu và chuyên môn hóa các công đoạn khép kín theo chuỗi sản phẩm, sản xuất ra các mặt hàng có giá trị và có sức cạnh tranh,… và phân khu Sàn giao dịch, kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Đây cũng là Đề án được hưởng các ưu đãi đầu tư về tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng; thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực, phát triển thị trường...

Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy những lợi thế, thế mạnh của tỉnh Nghệ An cũng như của vùng Bắc Trung Bộ để quản lý, phát triển bền vững và tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp hiệu quả, góp phần đưa chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thành một ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của vùng.

Trên cơ sở này, Nghệ An kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo các nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ.

Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành gỗ và chế biến gỗ, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thêm, tỉnh Nghệ An quyết tâm tạo bước đột phá để góp phần đưa sản xuất chế biến gỗ của khu vực Bắc Trung Bộ phát triển một cách mạnh mẽ, đưa Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của cả miền Trung./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực