Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao

Chủ nhật, 03/01/2010 14:34

Nông dân ở nhiều địa phương đã sáng tạo được nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

* Tại Cà Mau, nông dân đã cải tạo hàng nghìn ha đất xấu, đất nhiễm phèn, vườn tạp hoang hóa, rồi trồng cây trúc để có nguyên liệu cung ứng cho nghề đan lát truyền thống của địa phương. Riêng huyện Thới Bình, khoảng 750 ha trúc nguyên liệu đã được trồng, tập trung ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Trí Lực và Biển Bạch ... mở ra hướng sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn đất xấu, đất nhiễm phèn nặng lâu nay bỏ hoang hóa, không sản xuất được. Hiện, một ha trúc có giá từ 50 triệu đồng trở lên, tùy theo chất lượng, ngoài ra các nhánh trúc còn bán được khoảng 3.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập khá lớn đối với một bộ phận nông dân. Sản phẩm làm ra từ cây trúc khá đa dạng như rổ, sàng, nia, thúng... nhưng hiện nay chủ yếu vẫn là mê bồ, với nhiều công dụng như để chứa lúa, làm tấm chắn đất ngăn sạt lở, lót sàn tàu hàng... Các làng nghề truyền thống này ở huyện Thới Bình mỗi năm bán ra thị trường hơn 250.000 tấm mê bồ các loại, với giá bình quân 50.000 đồng/tấm, đặc biệt là xuất bán sang thị trường Campuchia với số lượng khá lớn. Trên cơ sở quy hoạch phát triển làng nghề đan lát sản phẩm từ tre, trúc đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tập trung ở các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vận động, khuyến khích nông dân tiếp tục cải tạo đất nhiễm phèn nặng, đất xấu không sản xuất được đưa vào trồng trúc nguyên liệu. Chỉ đạo ngành chức năng lập dự án đầu tư phát triển 6 làng nghề đan lát theo hướng đầu tư đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm; thành lập các hợp tác xã; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

* Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Văn Thạnh, hiện chưa có mô hình sản xuất nào cho lợi nhuận cao như "mô hình cây nấm rơm". Theo đó, năm 2009 giá trị thu về từ sản xuất nấm rơm ở An Giang đạt gần 710 tỷ đồng, giúp nông dân "bỏ túi" trên 426 tỷ đồng lợi nhuận, cao gấp 4 lần trồng lúa, thu nhập bình quân mỗi lao động là 32 triệu đồng/năm, đồng thời còn giải quyết được vệ sinh môi trường từ phế phẩm rơm, cây dễ trồng, phù hợp với các hộ nghèo, ít hoặc không có đất sản xuất tận dụng được đất trống quanh nhà, thu hồi vốn, lãi nhanh, giải quyết được nhiều lao động nông thôn. Nghề trồng mấm rơm ở An Giang hình thành đã từ lâu và ngay từ đầu đã cho hiệu quả rất cao nhưng trước năm 2005 diện tích trồng còn nhỏ lẻ, phân tán. Sau khi UBND tỉnh có quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 20/9/2005 về đề án trồng nấm rơm giai đoạn 2005 - 2010 thì việc trồng nấm rơm chuyển biến mau lẹ. Với kết quả khả quan của năm đầu triển khai trên 800 ha, năm 2006 tỉnh tiếp tục ban hành quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 14/4/2006 phương án hỗ trợ vốn tín dụng nghề trồng nấm rơm giai đọan 2006 - 2010, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ tham gia trồng nấm. Đến năm 2009, các huyện thị tranh thủ các thương lái mở 16 điểm thu mua và 6 đại lý cung ứng giống với giá thấp, đảm bảo chất lượng cho người trồng; thành lập 93 tổ sản xuất được vay vốn được trên 1,7 tỷ đồng. Năm 2009 cũng là năm nông dân trồng nấm được mùa được giá với năng suất đạt 12,98 tấn/ha, tăng 0,12 tấn với giá bán 15.000 đồng/kg tăng 5.000 đồng/kg so năm 2008. Như vậy, từ khi có chủ trương, chính sách hỗ trợ hợp lý, diện tích trồng nấm rơm ở An Giang tăng lên hàng năm, từ 800 ha năm 2005, đến năm 2008 tăng 3.112 ha, năm 2009 tiếp tục tăng lên 3.651 ha, giải quyết việc làm cho 13.315 lao động nông thôn, như vậy bình quân mỗi ha giải quyết được 50 lao động từ các khâu ủ rơm, chất mô, chăm sóc, thu hoạch và chế biến.

* Tại Thừa Thiên -Huế, việc cải tạo những cồn cát trắng “vô dụng” trở thành vùng đất màu mỡ phục vụ cho việc trồng rau xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang trở thành nghề chính của những hộ nông dân xã Điền Lộc, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Buổi đầu có hơn 100 hộ tham gia, thì nay gần như cả xã trồng rau với doanh thu một năm đã lên tới 6 tỷ đồng. Rau trồng trên cát đã cải tạo, phát triển nhanh, ít sâu bệnh và cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 5 đến 7 lần. Chị Lê Thị Nhiên trồng 6 sào rau từ diện tích cồn cát do chính gia đình cải tạo. Trừ hai tháng cho đất nghỉ, còn lại ngày nào chị cũng có rau bán do trồng xen canh và trồng tỉa gối vụ. Bình quân cho thu nhập trên 100 nghìn đồng/ngày… Đặc biệt, mùa lũ lụt thị trường khan hiếm rau thì nơi đây vẫn có rau cung ứng nhờ trồng trên những cồn cát cao. Rau nơi đây, cung cấp cho các chợ đầu mối trong huyện và vùng giáp ranh của tỉnh Quảng Trị… Từ những cồn cát trắng mùa hạ thì nóng bỏng không một cây gì sống nổi, nay đã hồi sinh từ ý chí và nghị lực của con người. Cái khó ló cái khôn, không cam chịu nghèo đói, người dân đã tự tay ủ phân, tận dụng từ bèo tây, phụ phẩm nông nghiệp, rồi đem trộn ủ với cát, thường xuyên tới nước đảm bảo độ ẩm để phân ủ trong cát nhanh chóng phân hủy, cung cấp chất dinh dưỡng và tăng độ phì nhiêu cho đất. Khi trồng bón thêm một lượng nhỏ phân hóa học phù hợp với từng loại rau. Trong một năm cho đất nghỉ hai tháng vào tháng 7 và 8 để cải tạo. Với loại đất này, các loại rau trồng thích hợp nhất là cải bẹ, rau ngắn ngày như xà lách, cúc… Tuy vất vả vì phải gánh nước ngọt từ xa lên tưới cho rau nhưng hiệu quả từ trồng rau xanh trên cát là điều không còn phải nghi ngờ. Mô hình này đang được huyện Phong Điền quan tâm nhân rộng ở những vùng có điều kiện tương tự./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực