Nhìn lại sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2009

Thứ hai, 04/01/2010 18:23

(ĐCSVN)Khép lại năm 2009, sản xuất nông, lâm nghiệp được đánh giá là có nhiều thuận lợi, song cũng không ít những khó khăn. Chính phủ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất để kích cầu và tăng cường đầu tư cho nông, lâm nghiệp, nhờ đó, trong năm 2009, sản xuất nông lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhìn lại từ đầu năm 2009, có thể thấy bước tăng trưởng ngoạn mục, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2009 đạt 97,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước, nhưng 6 tháng cuối năm đã đạt 122,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,16% so với 6 tháng cuối năm 2008. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2009 ước tính tăng 3% so với năm 2008, trong đó, nông nghiệp tăng 2,2%; lâm nghiệp tăng 3,8%; thuỷ sản tăng 5,4%.

Trong nông nghiệp, năm 2009 mặc dù Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ bị bão lũ gây thiệt hại nặng nề, nhưng nhờ có sự nỗ lực đẩy mạnh sản xuất của các vùng, miền khác, nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nên sản lượng lương thực có hạt năm 2009 ước tính đạt 43,3 triệu tấn, tăng 24,4 nghìn tấn so với năm 2008, trong đó sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, tăng 165,7 nghìn tấn; sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn, giảm 141,3 nghìn tấn.

Cây lâu năm có xu hướng phát triển khá, một mặt do giá bán sản phẩm tăng; mặt khác, những năm trước đây nhiều địa phương đã tiến hành trồng thay thế những diện tích cây già cỗi bằng loại cây giống mới có năng suất và chất lượng cao nên thu nhập từ cây lâu năm cao hơn các loại cây trồng khác đã khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng.

Đặc biệt trong năm 2009, một số mô hình, dự án được triển khai tích cực và có hiệu quả như: Dự án trồng mới cây cao su ở một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc (Yên Bái và Lai Châu mỗi tỉnh 3,5 nghìn ha; Điện Biên 3,2 nghìn ha; Sơn La 3,9 nghìn ha); dự án trồng 320 ha chè cành năng suất cao ở Thái Nguyên; dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên và Bình Phước...

Nhờ đó, diện tích nhiều loại cây đã có mức tăng cao. Cụ thể, chè năm 2009 đạt 128,1 nghìn ha, tăng 2,6 nghìn ha so với năm trước; cà phê 537 nghìn ha, tăng 6,1 nghìn ha; cao su 674,2 nghìn ha, tăng 42,8 nghìn ha; hồ tiêu 50,5 nghìn ha, tăng 0,6 nghìn ha. Sản lượng một số cây lâu năm tăng khá, trong đó chè búp ước tính đạt 798,8 nghìn tấn, tăng 7% so với năm 2008 (diện tích cho sản phẩm tăng 2,7%; năng suất tăng 4,2%); cao su 723,7 nghìn tấn, tăng 9,7% (diện tích cho sản phẩm tăng 5,6%; năng suất tăng 3,8%); hồ tiêu 105,6 nghìn tấn, tăng 7,2% (diện tích cho sản phẩm tăng 4,5%; năng suất tăng 2,6%).

Đối với lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung năm 2009 ước tính đạt 212 nghìn ha, tăng 5,9% so với năm 2008. Diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng năm 2009 ước tính đạt 1032 nghìn ha, tăng 5,2% so với năm trước; số cây trồng phân tán đạt 180,4 triệu cây, giảm 1,8%; diện tích rừng được chăm sóc 486 nghìn ha, tăng 4,3%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 3766,7 nghìn m3, tăng 5,7%.

Những địa phương có sản lượng gỗ khai thác lớn là: Tuyên Quang 218 nghìn m3; Yên Bái 200 nghìn m3; Quảng Ngãi 180 nghìn m3; Quảng Nam 169 nghìn m3; Bình Định 167 nghìn m3; Hoà Bình 135 nghìn m3.

Kết quả trồng, chăm sóc rừng và khai thác gỗ, lâm sản đạt khá chủ yếu do đầu tư được tăng cường. Ngoài đầu tư lớn từ các chương trình dự án (riêng Dự án 5 triệu ha rừng năm 2009 đã đầu tư 1180 tỷ đồng, tăng 43,9% so với năm 2008), nhiều địa phương còn huy động được vốn đầu tư của các hộ gia đình do việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng bảo đảm được quyền lợi ổn định lâu dài cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi tái sinh rừng.

Cùng với công tác trồng rừng, công tác bảo vệ rừng và tuyên truyền phòng chống cháy rừng được các địa phương quan tâm triển khai rộng đến các thôn, bản nên đã hạn chế tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng. Tổng diện tích rừng bị cháy và bị phá năm 2009 là 3221 ha, giảm 18,8% so với năm 2008, trong đó diện tích rừng bị cháy 1658 ha, giảm 1,2%; diện tích rừng bị chặt phá 1563 ha, giảm 30,3%.

Năm 2009 qua đi, một năm với đầy những khó khăn của sản xuất nông, lâm nghiệp như thiên tai, dịch bệnh liên tiếp. Ngành nông nghiệp đã có những phương hướng mới cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2010, như tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, tăng cường việc giao đất, giao rừng trong lâm nghiệp, phát triển cây công nghiệp, chế biến lâm sản…Chặng đường tới còn dài, nhưng nhìn vào những kết quả đã đạt được chúng ta tin rằng trong năm 2010, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn cả nước sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực