Nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Thứ tư, 16/12/2020 17:51
(ĐCSVN) – Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất.
leftcenterrightdel
Ngành ngân hàng giảm mạnh lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
(Ảnh: M.P) 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn từ đó có điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế do tác động của dịch COVID-19, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với nền kinh tế, trên cơ sở diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Cụ thể, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm. 

Nếu so với các nước trong khu vực, Philipines giảm 2%; Thái Lan giảm 0,75%, Malaysia giảm 1,25%, Indonesia giảm 1,25%, Ấn độ giảm 1,15%, Trung Quốc giảm 0,3%. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất.

Không chỉ giảm lãi suất điề hành, để hỗ trợ TCTD giảm chi phí có điều kiện giảm nhanh và mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, NHNN đã giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm). 

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. 

Việc điều hành giảm các mức lãi suất nêu trên cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

 Đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019 trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. 

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.

Dưới góc độ TCTD, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, với kỳ vọng góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.

Mới đây nhất, hôm 15/12, Vietcombank đã ra thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với tất cả các khách hàng doanh nghiệp. 

Cụ thể, đối tượng được giảm lãi suất trong lần này là các doanh nghiệp khắp cả nước, kể cả dư nợ cũ và mới bằng VNĐ. Mức lãi suất được giảm là 1%/năm so với lãi suất hiện hành. Thời gian áp dụng trong 3 tháng, từ 15/12/2020 đến 15/3/2021.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã triển khai 3 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi đại dịch. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết ngân hàng này giảm đồng loạt 1% lãi vay trong 3 tháng từ ngày 15/12/2020 đến 15/3/2021 cho tất cả doanh nghiệp đang có dư nợ và khách hàng vay mới tại Vietcombank. Tổng số tiền mà Vietcombank giảm lãi suất lần này để chia sẻ với doanh nghiệp là 300 tỉ đồng. Nếu tính từ đầu năm, Vietcombank đã có 4 đợt giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và lũ lụt. Tổng số tiền lãi mà ngân hàng này hỗ trợ khách hàng qua 4 đợt giảm lãi suất trước đó là 3.400 tỉ đồng. Như vậy, cả 5 lần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân qua cắt giảm lãi suất cho vay đã làm giảm 3.700 tỉ đồng lợi nhuận của ngân hàng này.

Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. MBBank cũng áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn “phàn nàn” vì chưa tiếp cận được các gói vay ưu đãi, thậm chí là các gói tín dụng thông thường, do ngân hàng giảm lãi suất nhưng lại chưa giảm “chuẩn” cấp tín dụng tương xứng.

Đây là lý do mà  đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (số liệu của NHNN). Đây là con số rất thấp bởi cùng kỳ năm 2019, tín dụng đã tăng 10,28%.

Nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra là ngân hàng giảm lãi suất nhưng chất lượng tín dụng không thể giảm, nhất là khi nợ xấu đã có chiều hướng gia tăng mạnh.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng  nhìn nhận, các ngân hàng lo nợ xấu tăng nên thận trọng trong cấp tín dụng là điều hợp lý. Vì thế, để tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy thì vấn đề không phải lãi suất mà làm sao để ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn, doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngân hàng.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực