Nông dân Tiền Giang phát triển kinh tế từ mô hình du lịch miệt vườn

Thứ tư, 12/02/2020 01:12
(ĐCSVN) – Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đến hội viên nông dân. Nhờ vậy, nhận thức về du lịch của người nông dân đã có bước chuyển biến khá rõ rệt.

Du lịch miệt vườn, giúp nông dân phát triển kinh tế

leftcenterrightdel
Du lịch miệt vườn cù lao Thới Sơn là một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước 

Cùng với phát triển du lịch trong khu vực và cả nước, những năm gần đây, khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng. Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đan xen nhau đã tạo nên nhiều cù lao trên sông và những vườn cây ăn trái xanh tươi bốn mùa.

Với đặc thù vùng sông nước, thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư khai thác du lịch sinh thái miệt vườn, liên kết nhiều hộ dân khai thác "du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng" với nhiều sản phẩm đặc trưng như: đi đò chèo trên sông rạch, thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân vùng sông nước Nam bộ. Đây là những mô hình mà Tiền Giang xây dựng trở thành nét độc đáo của du lịch miệt vườn.

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đến hội viên nông dân. Nhờ vậy, nhận thức về du lịch của người nông dân đã có bước chuyển biến khá rõ rệt. Tiêu biểu như: Cù lao Thới Sơn, đến các xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), Tân Phong (huyện Cai Lậy), chợ nổi Cái Bè…

Đã có nhiều nhà vườn tiêu biểu, đi đầu tham gia phát triển du lịch như hộ chú Tư Đàn, chú Ba Thảo, chú Mười Quản, chú năm Chánh, chú hai Vũ, chú ba Đức; đã có nhiều hộ tham gia các loại hình dịch vụ như: đò chèo, đờn ca tài tử, làm cốm, bán hàng lưu niệm, … Đến nay, đã có 81 hộ nhà vườn hoạt động du lịch, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Cùng với đó, để hỗ trợ hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tuyên truyền về định hướng phát triển du lịch của tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ năng phục vụ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ; hướng dẫn các hộ nông dân trong việc thực hiện những qui định trong hoạt động du lịch, nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự, tạo tâm lý an toàn, thân thiện trong hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách.

Từ đó, các hộ nông dân đã nâng cấp, cải tạo điểm du lịch, vườn cây ăn trái, bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh; tổ chức các hoạt động đa dạng cho du khách như: cách trồng trọt, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu các món ăn dân dã, hoạt động giao lưu văn hóa,…làm cho du khách thích thú khi được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt truyền thống của cư dân địa phương.

Nói đến du lịch miệt vườn ở An Giang, người ta không thể không nhắc đến cù lao Thới Sơn. Tọa lạc giữa dòng sông Tiền, cù lao Thới Sơn có diện tích 1.212 ha, trải dài trên 11km với nhiều mương rạch chằng chịt. Dân số 5.746 người. Trước đây, nhà vườn Thới Sơn chỉ trồng nhãn và sa pô.

Hiện nay, cơ cấu cây trồng Thới Sơn có đa dạng hơn, trở thành một cù lao xanh với vườn cây nối vườn cây, quanh năm cho trái ngọt, gồm: cam, quít, bưởi, sầu riêng, xoài, vú sữa... Bên cạnh đó, Thới Sơn cũng đã phát triển nghề nuôi ong mật, làm bánh, kẹo, hàng thủ công mỹ nghệ.

Với điều kiện tự nhiên có cảnh sông nước, sản phẩm du lịch miệt vườn Thới Sơn là tuor du lịch sinh thái khép kín với nhiều sản phẩm như: thưởng thức các loại trái cây, đi đò chèo trên sông rạch, nghe đờn ca tài tử, khai thác dịch vụ nghỉ đêm trên nhà bè (neo đậu trên sông cặp cù lao Thới Sơn), nghỉ đêm ở nhà dân (homestay), tái hiện chợ nổi trên sông, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài những địa điểm du lịch sinh thái nghỉ ngơi như cù lao Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè còn là nơi giao thương hàng hóa đặc trưng của vùng sông nước. Được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XVII, ban đầu chỉ là việc mua bán hàng hóa của người dân bằng ghe, xuồng, nhưng sau này chính những thói quen sinh sống hằng ngày của người dân đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Từ đó cũng tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Hay như trại rắn Đồng Tâm nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 8,5km, có diện tích 11ha. Đây là nơi nuôi rắn lấy nọc, kết hợp với trồng nhiều cây dược liệu và nghiên cứu điều trị rắn cắn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến với trại rắn Đồng Tâm, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều loại rắn khác nhau như: rắn ráo, rắn nước, hổ chúa, hổ mang, cạp nong, cạp nia… Đặc biệt, nơi đây có bảo tàng rắn duy nhất ở Việt Nam, trưng bày hơn 50 mẫu rắn các loại đã được xác lập kỷ lục Guiness.

Báo cáo từ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang khẳng định, từ thực tế cho thấy, loại hình du lịch miệt vườn ở Tiền Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phát triển kinh tế bền vững nhất cho cộng đồng địa phương. Không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương; góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ nông dân ở địa phương.

Đến cuối năm 2019, Tiền Giang đón được 21 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Trong đó, du khách đến các điểm du lịch nông thôn chiếm một tỷ lệ lớn.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch nông dân cũng mang lại lợi ích cho người dân ở địa phương cho dù họ có tham gia tích cực vào hoạt động du lịch hay không, như điều kiện về hạ tầng giao thông, môi trường, hệ thống điện, nước, viễn thông… cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư ngày càng tốt hơn.

leftcenterrightdel
 Chợ nổi là một trong những mô hình du lịch giúp nông dân có thu nhập ổn định

Quan tâm đúng hướng

Để phát triển loại hình du lịch miệt vườn hiệu quả và bền vững, thời gian tới, Hội Nông dân Tiền Giang mong muốn, chính quyền địa phương quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có tiềm năng, có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch bằng nhiều chính sách năng động và hợp lý như hỗ trợ về vốn, về thuế, đào tạo nhân lực,…để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ nông dân, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp tiêu biểu, phù hợp với lợi thế của các địa phương; có biện pháp chế tài khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch nông dân.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như cầu, đường giao thông, bến tàu, bến xe, hệ thống điện, nước…, các biện pháp về an ninh trật tự, về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư nguồn lực tham gia các hoạt động du lịch.

Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp du lịch; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân về kiến thức, kỹ năng du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp, hộ nông dân có đủ năng lực hội nhập du lịch, trong giai đoạn bùng nổ thông tin cũng như công nghệ khai thác du lịch, tăng hiệu quả hoạt động du lịch nông dân.                   

Hội Nông dân các cấp tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, quảng bá các chương trình du lịch nông nghiệp qua các hội chợ, triển lãm du lịch… Tăng tính liên kết giữa các địa phương, các hộ nông dân với nhau để phát triển sản phẩm du lịch. Vì trên cơ sở liên kết sẽ phát triển sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, độc đáo, phù hợp với điều kiện mỗi hộ nông dân cũng như tài nguyên du lịch sinh thái, văn hoá của mỗi địa phương, từ đó sẽ giúp hạn chế việc phát triển những dịch vụ trùng lắp, nhàm chán và tạo sự hấp dẫn và thú vị cho chuyến tham quan, trải nghiệm của khách du lịch…/.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực