Nông sản an toàn: "Cầu lớn và ổn định ắt sẽ tạo ra cung nhiều"

Thứ năm, 21/07/2016 17:29
(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh các nội dung về an toàn thực phẩm (ATTP), nông sản an toàn (NSAT) trong bối cảnh hiện nay.

Giống cam Vinh, cam Canh được mang lên trồng tại Chi Lăng, Lạng Sơn (Ảnh: HNV)

Theo ông Đào Văn Hồ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (TTXTTMNN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) là đơn vị chịu trách nhiệm đăng cai, duy trì đều đặn phiên chợ NSAT. Được biết, phiên chợ này diễn ra trong 3 ngày (từ thứ Sáu đến Chủ Nhật của tuần thứ 2 và tuần cuối cùng hàng tháng tại số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Phiên chợ thứ nhất đã triển khai từ ngày 27-29/5/2016 và tiếp diễn cho tới thời điểm này.

Theo ông Đào Văn Hồ, có thể quy mô của Chương trình này không lớn nhưng nó lại có ý nghĩa là truyền thông ban đầu cho người tiêu dùng, thông qua đó, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được địa chỉ an toàn đồng thời cũng tạo cơ hội cho những người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm vì ATVSTP. Ban tổ chức cũng mong muốn đây sẽ là mô hình thí điểm hiệu quả để các địa phương học tập kinh nghiệm, từ đó làm tốt ở cơ sở của mình.

Ông Đào Văn Hồ cho biết thêm “cuộc chiến vì ATTP và NSAT là cuộc chiến của cả hệ thống mà một mình Bộ NN&PTNT không thể làm hết được. Do đó, tiến tới, ngoài những “Địa chỉ Xanh – Nông sản sạch” mà Bộ cung cấp trực tiếp, các địa phương cũng phải chung tay thực hiện, cung cấp thêm các địa chỉ uy tín, an toàn tới càng đông đảo người tiêu dùng càng tốt. Trong thời gian còn lại của năm 2016 và những năm tiếp theo, với tư cách là một trong những ngành chủ quản liên quan tới ATTP, NSAT, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương sẽ cùng nhau phát triển thêm các chuỗi giá trị nâng cao sản phẩm vì sức khỏe của người tiêu dùng và xác định việc làm này không chỉ có lợi cho xuất khẩu mà còn vì chính sức khỏe và giống nòi của chúng ta.

Cũng theo ông Hồ, hiện, Bộ đang giao Cục quản lý chất lượng hoàn thành Bộ tiêu chí từ 65 chỉ tiêu VietGAP xuống 15 tiêu chí đảm bảo quy định của khối ASEAN nói riêng và các quy chuẩn hội nhập nói chung để trên cơ sở đó có những tiêu chí hoàn chỉnh, sau này, chỉ cần căn cứ vào đó tiến hành cấp phép.

Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của người tiêu dùng trong vấn đề VSATTP, ông Hồ cho rằng, nếu người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm an toàn thì vòng quay sẽ không thể duy trì, người sản xuất NSAT không tiêu thụ được. Khi đó, vẫn cứ loay hoay trong một vòng luẩn quẩn sản xuất – tiêu dùng không gặp nhau.

Đề cập tới các sản phẩm chứng nhận VietGAP (Thực hành nông nghiệp tốt) trong bối cảnh hiện nay, ông Hồ cho biết thêm, để củng cố niềm tin và tạo đất phát triển mạnh cho mô hình VietGAP quả thực đến thời điểm này rất cần chu trình từ vùng nuôi an toàn đến quá trình sản đóng gói, chế biến rồi vận chuyển đến tiêu thụ thực sự phải đảm bảo khép kín quy trình, không có kẽ hở nào.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc TTXTTMNN (Ảnh: HNV)

Thực tế hiện nay đang cho thấy, việc để các sản phẩm chứng nhận VietGAP thực sự tồn tại, phát triển mở rộng đang gặp phải khá nhiều thách thức, mà một trong những thách thức đó là đã và đang có hiện tượng mượn danh VietGAP để hưởng chênh lệch lợi nhuận và quy trình kiểm tra chứng nhận độ an toàn của sản phẩm hiện còn nhiều vướng mắc cả về chi phí và các tổ chức triển khai kiểm tra, chứng nhận.

Không thể phủ nhận là việc phân biệt sản phẩm VietGAP với các sản phẩm thông thường giờ chủ yếu ở cảm quan và nhãn mác. Thói quen tiêu dùng mua bán “tiện đâu mua đó” của khá đông người dân càng làm cho những sản phẩm VietGAP với sản phẩm sản xuất thông thường không có cơ hội cạnh tranh như nhau. Rõ ràng, vẫn có hai xu hướng song song tồn tại, ai thích nhanh, tiện, rẻ thì vào chợ, ai chấp nhận yên tâm hơn thì vào các địa chỉ rõ ràng, các siêu thị, trung tâm mua sắm uy tín…

“Bản thân những người sản xuất NSAT cũng chính là những người đang phải đương đầu với nhiều khó khăn nhất khi dấn thân vào lĩnh vực này vì chi phí lớn mà kinh phí thu về chưa chắc đã đảm bảo ổn định. Có một bài toán như thế này, chi phí vận chuyển liên quan nhiều tới số lượng. Thường việc sản xuất NSAT ở những vùng chuyên canh, xa trung tâm, phụ thuộc khá lớn vào chi phí vận chuyển. Do đó, nếu số lượng sản phẩm được vận chuyển càng lớn thì chi phí vận chuyển sẽ càng giảm đi, người tiêu dùng được lợi mà người sản xuất sạch, an toàn cũng mới “sống được”". – ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hồ, người nông dân hiện nay hoàn toàn đủ sống, thậm chí có thể làm giàu nếu đi đúng hướng và đầu tư theo hướng phát triển bền vững./.

Lê Nguyễn (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực