Phát huy tinh thần doanh nhân vượt qua dịch COVID-19

Thứ tư, 13/10/2021 02:04
(ĐCSVN) - Các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước thời gian qua đã phát huy cao tinh thần quyết tâm tháo gỡ khó khăn, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cộng đồng doanh nghiệp hướng tới kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay (13/10/2021) trong một bối cảnh khá đặc biệt khi nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhất là sau đợt bùng phát lần thứ tư cuối tháng 4 đến nay. Giãn cách xã hội kéo dài và trên diện rộng, số ca bệnh tăng chóng mặt, tăng trưởng kinh tế quý III âm… Tuy nhiên, công đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục quyết tâm đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế.

 Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt cùng đoàn kết, chung lòng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới (Ảnh: HNV)

Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 kéo dài, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, lực lượng doanh nhân nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Đã có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đăng ký giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước vừa được ban hành là động lực giúp doanh nghiệp vượt khó vươn lên, khôi phục và phát triển sản xuất.

Sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp ngoài việc phải lo trả lãi suất ngân hàng hằng tháng, còn phải gánh trên vai trách nhiệm trả lương cho người lao động với hy vọng “giữ chân” khi sản xuất trở lại bình thường. Vì vậy, để giúp doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất, bên cạnh chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó trong đại dịch COVID-19 của Chính phủ đang được triển khai, thực hiện trên khắp cả nước, cũng cần có cơ chế nhất quán quy định xe luồng xanh, luồng vàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa giữa tỉnh này với tỉnh khác khi doanh nghiệp, người lao động đảm bảo điều kiện theo quy định. Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, người lao động trong các doanh nghiệp cần sớm được tiêm vắc-xin với tỷ lệ bao phủ rộng... Những vướng mắc trên nếu được quan tâm tháo gỡ kịp thời, cộng với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, khẳng định lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong xây dựng pháp luật; cũng như ghi nhận doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm.

Dịch bệnh là không tránh khỏi, cộng đồng doanh nhân đang quyết tâm biến nguy thành cơ, coi đây là “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đồng thời cũng xem đó là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, từng bước hồi phục chắc chắn rồi bứt phá vươn lên sau khi khắc phục, khống chế COVID-19. Cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm coi dịch COVID-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng 850.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Ngoài số lượng đông đảo, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn được nhắc đến với nét đặc trưng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Nét đặc trưng đó đã được thể hiện rõ nét và sinh động hơn khi vừa qua, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Hoà Phát, Vinamilk, T&T, TH True Milk, Vietjet, Sovico... Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2020, có quy mô GDP năm 2020 đứng thứ 4 Đông Nam Á; vươn lên vị trí 22 và 26 thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế. Việt Nam cũng đứng thứ 26 thế giới về quy mô dự trữ ngoại hối với gần 100 tỷ USD.

Hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức mà trước mắt, chúng ta phải vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, khôi phục kinh tế và đà tăng trưởng của đất nước. Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn; quyết tâm duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, Việt Nam nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Hòa chung vào không khí vượt khó thời COVID và tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân nhân Ngày truyền thống (13/10 hàng năm), xin gửi lời tri ân tới đội ngũ doanh nhân - những người đang tiên phong trong nền kinh tế với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phong phú đa dạng, góp phần tạo nên sự lớn mạnh của kinh tế, sự phát triển và giàu có của quốc gia./.

Ngược lại dòng lịch sử, kể từ ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Cũng trên cơ sở đó, theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm được lấy làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. 
Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực