“Phát triển bền vững ngành nuôi yến hướng tới xuất khẩu phía Nam”

Thứ bảy, 28/11/2020 07:00
(ĐCSVN) – Đó là chủ đề chính của Hội thảo được tổ chức ngày 27/11, thu hút đông đảo các chuyên gia, gần 200 hộ nuôi chim yến đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Nai và Kiên Giang.

Ở nước ta, nghề nuôi chim yến đã có từ thế kỉ 19, đến năm 2004 nuôi yến với mục đích thương mại và trở thành ngành sản xuất bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh Nam Bộ. Nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành nuôi yến phát triển mạnh, với nhiều loại hình, quy mô khác nhau.

Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến. Số lượng nhà nuôi tăng từ 8.300 nhà vào năm 2017 lên gấp khoảng 1,5 lần vào năm 2019, tương đương với trên 11.700 nhà. Đáng chú ý, Kiên Giang là tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước với khoảng 2.500 nhà, đồng thời cũng là tỉnh dẫn đầu về phân loại nhà yến xây kiên cố với trên 1.000 nhà; kế tiếp là tỉnh Bình Thuận với 1.200 nhà.

Đại biểu đóng góp ý kiến, tham luận tại Hội thảo.

Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư số 35 quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến. Công nhận dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác các sản phẩm từ yến là lĩnh vực cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao (từ 1.500 - 2000USD/kg tổ yến), mang lại nguồi ngoại tệ từ 200 - 300 triệu USD/ năm. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có đóng góp cho ngành chăn nuôi.

 Theo đồng chí Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mặc dù tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn song thời gian qua việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. Việc thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, một số tổ chức, cá nhân tư vấn hướng dẫn xây dựng nhà yến không phù hợp làm thiệt hại kinh tế cho người dân, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sản lượng tổ. Việc săn bắt chim yến vì mục đích khác đang diễn biến phức tạp. Hộ nuôi thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của chim yến nhà, dẫn đến tình trạng nhà xây xong chim không về làm tổ hoặc chim chết do biến đổi thời tiết.

 Qua hội thảo lần này, với chủ đề “Phát triển bền vững ngành nuôi yến hướng tới xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam”, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi yến của cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận, nhiều nội dung xoay quanh một số vấn đề cần quan tâm trong nghề nuôi yến ở Việt Nam hiện nay; giải pháp bảo vệ và phát triển quần thể chim yến; công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu tổ yến sang thị trường các nước; kỹ thuật quản lý nhà yến uy tín…

Một số đại biểu có chung ý kiến rằng, các chuỗi sản phẩm ngành nuôi yến bước đầu hình thành nhưng còn chưa thống nhất với nhau vì mục tiêu chung là phát triển ngành hàng yếu sào. Việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi còn cạnh tranh nhau về thị trường, người nuôi yến bị ép giá. Việc đầu tư vào khâu chế biến còn chưa được chú trọng đúng mức, mang tính tự phát, không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nào đối với mặt hàng này. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao. Vì vậy nếu giải quyết được những vấn đề trên sẽ góp phần thúc đẩy ngành nuôi yến cả nước nói chung, các tỉnh phía nam nói riêng phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng đầu ra, tiến tới xuất khẩu ra thế giới./.

Tin, ảnh: Phương Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực