Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng sông Mekong

Thứ ba, 15/12/2015 19:16
(ĐCSVN) – Đây là chủ đề được các đại biểu tập trung bàn thảo tại “Diễn đàn Đối thoại chính sách quốc gia” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.

Hình ảnh tại diễn đàn. (Ảnh: K.D)

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong bối cảnh nông nghiệp đang có sự dịch chuyển từ mô hình phát triển truyền thống nhỏ lẻ, phân tán sang tổ chức tập trung, quy mô và hiện đại hoá. Bối cảnh này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi cách tiếp cận chính sách thích hợp cho mục tiêu gia tăng giá trị nông nghiệp.

Ở góc độ quốc gia, đối với các nước tiểu vùng Mê Công, như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Cụ thể, nông nghiệp thu hút khoảng 32-70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 11-30% tổng GDP hàng năm của mỗi nước. Như vậy, nông nghiệp cơ bản là một chỗ dựa quan trọng về việc làm, nhưng giá trị tạo ra còn khiêm tốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển về khoa học công nghệ, khả năng học tập kinh nghiệm của các nước phát triển với thành tựu to lớn về nông nghiệp, nông nghiệp tiểu vùng Mê Công có tiềm năng lớn trong việc gia tăng giá trị đóng góp cho nền kinh tế. Việc nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hoá sản phẩm cung ứng ngày càng có ý nghĩa quan trọng cho việc nâng cao xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả vê lượng và giá, qua đó góp phần cải thiện thu nhập của người lao động làm ra sản phẩm  bao gồm cả nông dân và công nhân tham gia vào dây chuyền chế biến sản phẩm.

Các nước tiểu vùng Mê Công, trong đó có Việt Nam đều đã và đang tiếp tục quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội, nổi bật là công nghiệp hoá và đô thị hoá. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ về nguồn lực dành cho nông nghiệp, cụ thể là các tài nguyên đất, nước và lao động. Sự mở rộng về chiều rộng, tức gia tăng diện tích canh tác, sản xuất, chủng loại... sẽ ngày càng khó khăn khăn. Vì vậy, sự phát triển về chiều sâu, tức tập trung vào các loại sản phẩm giá trị cao, đảm bảo tiêu chuẩn, gia tăng hàm lượng chế biến, đối phó hiệu quả với các rủi ro bệnh dịch, thiên tai, bất ổn của thị trường... là hướng đi duy nhất đúng đắn cần thiết cho ngành nông nghiệp các nước trong tiểu vùng.

Từ góc độ khu vực, Thứ trưởng cũng chỉ ra, gần gũi về địa lý, chung dòng nước của con sông Mê Công, chung thổ nhưỡng... là điều kiện thuận lợi cho hợp tác sản xuất nông nghiệp quy mô và bổ trợ lẫn nhau giữa các nước, xét đến khả năng hài hoà hoá tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nông nghiệp, cũng như khả năng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng giữa các nước. Từ đây, các chuõi giá trị nông nghiệp có thể thiết lập để tạo ra các sản phẩm cho khu vực Asean, Đông Á và các thị trường bên ngoài khu vực.

Giáo sư Sisira Jayasurya - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Phát triển và Bền vững cũng cho rằng, khu vực Tiểu vùng sông Mekong có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp như đất đai, nguồn nước, khí hậu và cả con người. Khu vực này cũng nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vấn đề là phải tận dụng được những lợi thế đó để phát triển. Theo ông Sisira Jayasurya, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn mà các thị trường nhập khẩu yêu cầu, Chính phủ phải hỗ trợ và có những chính sách về việc xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp đỡ các nông hộ nhỏ lẻ liên kết với các doanh nghiệp lớn để đạt được lợi ích tối đa.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng chia sẻ về cách thức biến chuyển, thay đổi trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, cùng với áp lực về nguồn tài nguyên khan hiếm, đang mở ra những cơ hội to lớn song hành với những thách thức và rủi ro đặt ra cho ngành nông nghiệp tại Tiểu vùng Mekong.

Tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, nền nông nghiệp mới cần đảm bảo được 3 yếu tố. Đầu tiên là lợi thế nhờ quy mô để hấp thụ được vốn và công nghệ. Thứ 2 là phải gắn kết được tất cả những bên liên quan vào trong chuỗi sản xuất, cung ứng của nông nghiệp, bắt đầu từ giống cho đến thị trường trong nước và nước ngoài. Thứ 3 là phải gắn được với các vấn đề xã hội, văn hóa, tính vùng miền của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và cách thức sống của Việt Nam, ví dụ như tính cộng đồng. Theo ông Võ Trí Thành, tiểu vùng Mekong là khu vực có vị trí chiến lược, đi qua những thị trường đang tăng trưởng mạnh. Lợi thế này sẽ góp phần tạo ra việc làm thông qua tăng trưởng sản xuất và cải tiến quy trình chế biến rau củ, hoa quả để xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đó, quá trình sản xuất, khâu chế biến, đóng gói và phân phối cần được tăng cường hiện đại hóa và đổi mới. Trên con đường hướng tới một ngành nông nghiệp năng động, có giá trị tăng cao và phát triển bền vững tại khu vực, một số vấn đề cần được chú trọng và giải quyết như ưu tiên cơ sở hạ tàng để kết nối nhà sản xuất với các thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa./.

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực