Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng

Thứ ba, 27/10/2020 15:12
(ĐCSVN) - Sáng 27/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng phối hợp với phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng” do Liên minh châu Âu tài trợ.
 Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo.

Dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng” do Liên minh châu Âu tài trợ được triển khai từ 7/2017 (40 tháng), với tổng vốn viện trợ 393.000 UER. Mục tiêu của dự án là góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch tại Đà Nẵng trên cơ sở phát triển bền vững.

Dự án gồm 3 hợp phần: Hỗ trợ xây dựng thể chế nhằm phát triển các khung chính sách và quy định về phát triển năng lượng mặt trời; lắp đặt thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời tại một số địa điểm được chọn để trình diễn và nhân rộng mô hình; nâng cao năng lực và trao đổi kinh nghiệm về phát triển năng lượng mặt trời.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng Thái Bá Cảnh khẳng định: Phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió… là một trong những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam nhằm hướng tới giảm thiểu gánh nặng lên hệ thống năng lượng quốc gia.

Trên tinh thần đó, năm 2016, Trung tâm tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP đã phát triển ý tưởng xây dựng Dự án năng lượng điện mặt trời tại Đà Nẵng và được Liên minh châu Âu phê duyệt, triển khai thực hiện từ 7/2017. Đến thời điểm này, Dự án đã triển khai đầy đủ các nội dung và đạt được mục tiêu kết quả đề ra.

“Với các kết quả đạt được từ Dự án, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án về sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng năng lượng tái tạo với các hoạt động thiết thực, đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có nhiều hộ gia đình sử dụng điện năng lượng mặt trời trên địa bàn TP”- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Cơ sở để mở rộng phạm vi dự án

Phát biểu tại Hội thảo, bà Cescile Leroy, Quản lý chương trình phái đoàn EU tại Việt Nam đã chúc mừng TP Đà Nẵng triển khai Dự án thành công, đúng các yên cầu đặt ra.

Bà cho rằng, thành công của Dự án tại Đà Nẵng cho thấy năng lực phối, kết hợp của các cấp chính quyền và ngành chức năng từ cơ sở đến Trung ương tại Việt Nam để Dự án triển khai đúng trọng tâm, mục tiêu và yêu cầu đặt ra là điều rất quan trọng, tạo tiền đề để Liên minh châu Âu và Việt Nam tiếp tục mở rộng trên phạm vi Dự án tại nhiều nơi khác trong cả nước, qua đó hướng đến mục tiêu cắt giảm thải nhà kính mà Liên minh châu Âu và thế giới đang hết sức quan tâm.

Bà Cescile Leroy cũng đánh giá cao vai trò điều hành, tổ chức triển khai dự án từ TP Đà Nẵng cũng như của người dân, các cơ sở được lựa chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời thuộc Dự án trong thời gia qua. Theo bà, điều đó cho thấy năng lực nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu của Dự án là rất thành công, cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý Dự án phát triển năng lượng điện mặt trời tại Đà Nẵng thì, qua thực tế khảo sát, đánh giá từ Dự án này, nổi bật là qua lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các bệnh viện, trường học và các hộ gia đình (14 công trình) đã giúp cho 4.000 bệnh nhân, giảng viên và học sinh được hưởng lợi từ Dự án; tổng sản lượng điện tạo ra là 78.694 kWh/năm, tương đương tiết kiệm 153 triệu đồng/năm; tổng lượng giảm phát thải nhà kính là 32,5 tấn CO2/năm. Hiện nay cả 14 hệ thống điện lắp đặt từ Dự án đều hoạt động tốt và công nghệ ngày càng phát triển sẽ giúp hiệu suất năng lượng tạo ra càng hiệu quả hơn.

“Dự án cũng là cơ sở để nhân rộng, đặc biệt là nâng cao nhận thức trong học sinh, chủ nhân để sản xuất năng lượng và sử dụng trong tương lai”- Nguyễn Thị Thu, Quản lý Dự án phát triển năng lượng điện mặt trời tại Đà Nẵng khẳng định.

Những định hướng phát triển đến năm 2035

Thông tin tại Hội thảo, ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương TP Đà Nẵng cho hay, theo lộ trình phát triển điện năng lượng mặt trời giai đoạn 2025-2035 tại Đà Nẵng qua 4 lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ thương mại, khu vực dân cư và khu vực công (gồm chợ, cơ sở hành chính, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế) dự báo tổng tiềm năng điện năng lượng mặt trời lắp đặt có sản lượng là 145.789 Mw/h, lũy kế đến năm 2035 là 422.262Mw/h.

 Quang cảnh tại Hội thảo .

Về định hướng phát triển, đối với khu vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển điện năng lượng mặt trời tại các cơ sở sản xuất khu khu công nghiệp cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP, đặc biệt là tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

TP sẽ khuyến khích, ưu tiên phát triển điện năng lượng mặt trời tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, nhất là các khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn- những điểm nóng phát triển về du lịch trên địa bàn TP nhằm giảm tải nguồn điện lưới quốc gia tại khu vực..

Đối với khu vực công: Đà Nẵng sẽ thực hiện đề án cho thuê mái nhà tại trụ sở công để lắp đặt điện năng lượng mặt trời theo hình thức đấu giá quyền khai thác tài sản công hoặc đầu tư công.

Đối với khu vực dân cư: TP sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hộ gia đình đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hướng tới hình ảnh thành phố điện mặt trời, góp phần xây dựng TP môi trường và phát triển bền vững; đồng thời khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại các khu đô thị sinh thái và tại các Dự án bất động sản trên địa bàn TP./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực