Phát triển năng lượng tái tạo – xu thế của tương lai

Thứ năm, 29/10/2020 16:01
(ĐCSVN) - Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự báo trong thời gian tới, đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức đã diễn ra sáng 29/10, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, Trưởng ban tổ chức cuộc tọa đàm cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng, đặc biệt ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 đã thể hiện nhiều điểm mới về chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia; trong đó xác định: Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Tọa đàm thu hút nhiều đại biểu tham dự (Ảnh: PV). 

Đồng thời, Nghị quyết 55 cũng đã đề ra nhiệm vụ: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam.

Nghị quyết 55 cũng nêu rõ phải “xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng các dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ theo cơ chế thị trường; tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng; có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư; thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh…”.

Phát triển năng lượng tái tạo thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê của Viện nghiên cứu của BIDV cho thấy, nếu năm 2016 tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo mới đạt khoảng 303 MW thì năm 2020 tổng công suất ước tăng gấp hơn 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW.

Dự báo trong thời gian tới, đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước đã có 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch; 312 dự án điện gió với tổng công suất 78.035 MW và 331 dự án điện mặt trời với công suất 336.581 MW đang được các địa phương đề xuất phát triển.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của các viện nghiên cứu độc lập, cũng như phản ánh của các nhà đầu tư, đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Thêm nữa, không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực điện gió và mặt trời được cấp phép hoặc ngay khi vừa hoàn thành đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi luật pháp có các quy định khác nhau đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường đối với các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cũng như đối với các địa bàn, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Tại tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Cần có những cam kết mạnh mẽ, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư bền vững và dài hạn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo ông Quân, năng lượng tái tạo từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tại Việt Nam. Tính tới cuối năm 2016, khoảng gần 40% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sinh khối phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phế thải nông nghiệp, đặc biệt là bã mía, trấu… với tiềm năng rất lớn, đã và tiếp tục được sử dụng triệt để phục vụ sản xuất điện.

Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cảnh báo đã có hiện tượng doanh nghiệp lách luật, chạy dự án. "Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ bức tranh năng lượng tái tạo (NLTT) cho thấy có nhiều tiềm năng. Thông lệ cho thấy, nhu cầu điện tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần mức tăng trưởng năng lượng khoảng 10%" - TS Cấn Văn Lực nói.

Vẫn theo TS Lực, xu hướng phát triển NLTT trên thế giới tiếp tục diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây và tỷ trọng NLTT đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất trên toàn cầu, hiện đang chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, đáng chú ý, tỷ trọng NLTT sản xuất bằng thủy điện (nhỏ) tiếp tục là nguồn NLTT chiếm tỷ trọng cao nhất (50%).

 “Hiện tượng chạy dự án xuất hiện gần đây cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Gần đây chúng tôi có nghe phản ánh một số dự án có hiện tượng lách luật. Ví như: thời hạn giá điện chốt hết năm nay, một số DN bố trí dự án, chạy dự án cấp phép trước thời điểm hiện hạn. Hay theo quy định Dự án 1.000MW do địa phương quyết định nên một số DN chia nhỏ dự án để đơn giản hoá khâu cấp phép” – TS cảnh báo. Bởi thế, theo TS Lực, đề xuất quy hoạch điện VIII cần được thông qua, ban hành sớm. Để giải bài toán vốn cho các dự án NLTT cần đa dạng hoá nguồn vốn phát triển NLTT bằng cách tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá vào lĩnh vực NLTT, trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT.

Điện gió cùng điện mặt trời được đánh giá là khá có tiềm năng phát triển ở nước ta (Ảnh: BTC) 

 

Trong khi đó, theo ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng việc khai thác NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện, nguồn vốn và năng lực phát triển dự án của nhà đầu tư,… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần biến các thí điểm thành cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải điện gắn với NLTT. Tiếp đến là tăng trách nhiệm của các địa phương cũng như tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, muốn phát triển điện gió, điện mặt trời cũng cần đặt thêm các ưu tiên thay vì chỉ về giá, như thời gian, chính sách thuế, tín dụng hiện chưa được đề cập. Ưu đãi cũng phải là công suất lớn, vận hành hiệu quả. Một trong những vấn đề quan trọng nữa là Hợp đồng Mua bán điện hiện chưa theo chuẩn mực quốc tế khiến ngân hàng khó thẩm định. Cần nghiên cứu chính sách về giá dài hạn, lường định được, tiệm cận quốc tế như thế nào? Khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, không làm phong trào, để tránh xảy ra tình trạng xếp hàng đợi ưu đãi. Ngoài ra, hệ thống tiêu chí nhà đầu tư rất quan trọng, ngoài chính sách là ưu đãi cho DN có năng lực như về vốn, các công cụ về kinh tế, về năng lực hỗ trợ, không phải là xin cho mà tư duy “cho người chiến thắng”.

TS Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định việc mở rộng thêm hình thức huy động vốn cho lĩnh vực NLTT là rất quan trọng. Tuy nhiên, hình thức chào bán trái phiếu ra công chúng là rất rủi ro, trong khi đó chào bán riêng lẻ lại cần các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không cần kiểm soát.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, điều quan trọng là phải nghĩ tới vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Chính phủ rất hiểu những khó khăn của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải hiểu cho cơ quan quản lý khi doanh nghiệp chỉ đang đầu tư nguồn, nhưng khi đầu tư lưới điện thì lại khó khăn vì giá nhà nước quy định hiện nay là chỉ 84,91 đồng/kWh.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực