Phát triển ngành chăn nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung bộ

Thứ bảy, 29/07/2017 16:27
(ĐCSVN) - Trong 2 ngày 27-28/7, tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn @ nông nghiệp với chuyên đề “Phát triển chăn nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu” khu vực các tỉnh Nam Trung bộ.

Diễn đàn lần này nhằm giúp đội ngũ cán bộ làm khuyến nông và nông dân tiêu biểu tại các địa phương có điều kiện tiếp cận thông tin, học hỏi và trao đổi về các giải pháp phát triển chăn nuôi, lựa chọn những đối tượng gia súc, gia cầm phù hợp với thế mạnh của từng địa phương để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tăng cường liên kết trong chăn nuôi, ứng dụng kỹ thuật hiện đại để thích ứng
với biến đổi khí hậu. (Ảnh: HNV)

Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ rõ, 5 năm gần đây quy mô số lượng cũng như sản lượng sản phẩm gia súc, gia cầm khu vực Nam Trung bộ đều tăng từ 0,16% đến 77,57%. Riêng năm 2016, những đối tượng gia súc chủ lực cung cấp sản lượng thịt đạt khá như 81.400 tấn thịt bò, thịt lợn 262.400 tấn, hơn 55.000 tấn thịt gia cầm....Riêng thịt đà điểu đạt 1.470 tấn, chiếm hơn 83% và thịt cừu đạt 1.500 tấn, chiếm hơn 96% so tổng sản lượng thịt của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành chăn nuôi khu vực Nam Trung bộ bị thiệt hại đáng kể do thiên tai; đồng thời tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực trang trại đang là vấn đề nan giải.

Tại diễn đàn, nông dân các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... cùng các chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thảo luận, trao đổi và đề xuất 4 nhóm giải pháp chính để phát triển ngành chăn nuôi, đó là: các địa phương rà soát lại quy hoạch vùng chăn nuôi, thực hiện liên kết vùng và phát triển theo từng đối tượng vật nuôi. Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống phù hợp các vùng hạn hán, xâm nhập mặn, trồng và chế biến thức ăn, xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất rằng, cần tổ chức liên kết sản xuất, trọng tâm là xây dựng các mối liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, thú y...) và các doanh nghiệp đầu ra (chế biến, tiêu thụ sản phẩm); chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh; nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp. Các địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển chăn nuôi phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu của vùng Nam Trung bộ./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực