Phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín

Thứ năm, 23/09/2021 10:31
(ĐCSVN) – Theo mục tiêu của tỉnh Bình Phước đặt ra, địa phương này sẽ xây dựng ngành điều phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín.

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, về canh tác cây điều, mục tiêu cụ thể được tỉnh Bình Phước đặt ra là quy hoạch vùng trồng điều ổn định, phù hợp thổ nhưỡng làm căn cứ để xây dựng chính sách hỗ trợ vốn. Trong đó, ổn định diện tích điều hiện có; sử dụng các giống điều đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và địa phương công nhận trong trồng mới, tái canh vườn điều; từng bước cải tạo, tái canh bằng giống mới năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên. Triển khai nghiên cứu giống mới của tỉnh với mục tiêu đạt từ 4,5 tấn trở lên để từng bước đưa vào canh tác.

Bình Phước cũng phấn đấu có ít nhất 50% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận; diện tích trồng xen, nuôi ghép dưới tán điều đạt ít nhất 10.000 ha theo hướng đa canh. Mỗi huyện có vùng chuyên canh điều phải xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết chuỗi giá trị. Tổng sản lượng điều đến năm 2025 đạt trên 316.000 tấn.

Trong lĩnh vực chế biến, Bình Phước đưa ra mục tiêu ổn định công suất thiết kế hiện nay 500.000 tấn/năm; hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước. Chế biến sâu nhân điều đạt 10.000 tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 800 triệu USD.

Đến năm 2030, địa phương này ổn định vùng chuyên canh điều khoảng 180 nghìn ha; tiếp tục cải tạo, tái canh bằng giống mới năng suất đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha trở lên. Phấn đấu 100% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận; diện tích trồng xen, nuôi ghép dưới tán điều đạt ít nhất 50% theo hướng đa canh; có 100% cơ sở chế biến và hộ trồng điều tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị theo chuẩn quốc tế; tổng sản lượng điều đến năm 2030 đạt khoảng 500.000 tấn. Nâng cao tỷ lệ cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm; chế biến sâu nhân điều đạt khoảng 1/3 sản lượng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 1 tỷ USD/năm.

 Tập huấn chăm sóc điều cho các hộ nông dân. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, để đạt được những mục tiêu trên, Bình Phước đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Đó là việc lập bản đồ vùng chuyên canh điều của tỉnh, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, cấp sổ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao khoán (đối với diện tích đất thuộc lâm phần) cho các hộ trồng điều. Đối với giống điều, trước mắt tiếp tục bình tuyển các cây đầu dòng để cung ứng giống tại địa phương; chỉ đạo cơ quan chức năng hoặc hợp đồng với các tổ chức khoa học nghiên cứu giống điều mới với mục tiêu đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha.

Đồng thời, thúc đẩy hình thành các hình thức hợp tác kinh tế hoặc hợp tác xã, các câu lạc bộ... phù hợp, nhằm hỗ trợ, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả; tiếp cận các chính sách của Nhà nước và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng điều. Hỗ trợ các doanh nghiệp điều xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành mạng lưới thu mua ổn định, trực tiếp đến tổ chức của nông dân, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, mua bán qua nhiều khâu trung gian ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả.

Được biết, tỉnh Bình Phước hiện có trên 176 nghìn ha điều; 1.416 cơ sở chế biến hạt điều; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 700 triệu USD/năm (chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp).

Bình Phước cũng đã xây dựng được cách tiếp cận mới trong xây dựng chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm hạt điều với 5 quan điểm: Sản phẩm bảo hộ, phương pháp chuyên gia, khu vực địa lý tương ứng, nghiên cứu khu vực bảo hộ, việc khoanh vùng địa lý phải đảm bảo tính khả thi trong quản lý.

Cùng với đó, tỉnh Bình Phước có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp, trong đó có ngành điều. Theo đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo bình tuyển cây đầu dòng hoặc hợp đồng với các tổ chức khoa học nghiên cứu giống điều mới đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha. Đối với tái canh, tập trung định hướng đến năm 2030 tái canh 100 nghìn ha điều đang độ tuổi già, cho năng suất thấp bằng bộ giống mới chất lượng và năng suất cao.

Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thâm canh cho bà con nông dân đúng quy trình cho từng loại đất và địa hình phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong xen canh, thúc đẩy cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa hình, thổ nhưỡng để tăng hiệu quả kinh tế đất như xen canh cà phê, cây ăn trái, ca cao, nuôi gà, trồng dược liệu dưới tán điều.

Sẽ tập trung dự báo thị trường và sức cạnh tranh của mặt hàng điều xuất khẩu, dự báo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với ngành điều để nông hộ trồng điều, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến điều trên địa bàn tỉnh có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ sản xuất và kinh doanh tốt hơn.

Trong những năm tới, Bình Phước sẽ hình thành ít nhất 2 chuỗi liên kết sản xuất điều quy mô 100 ha/chuỗi, tại 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Song song đó, phấn đấu đạt ít nhất 5.000 ha điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận./..

B.Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực