Phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thứ ba, 17/05/2022 14:59
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay các đơn vị trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh này đang trong giai đoạn hồi phục sản xuất sau khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Các địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng thêm nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, lợi thế của địa phương cho giai đoạn 2021-2025.
Thu hoạch bưởi ở Cẩm Mỹ- Đồng Nai. (Ảnh: K.V) 

Được biết, mục tiêu phấn đấu giai đoạn mới, các chủ thể OCOP của Đồng Nai phải xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, Sở đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại. Kết quả, đã có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, Sở Công thương Đồng Nai đang hỗ trợ và hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh như: Sàn thương mại điện tử Voso.vn, hiện đã có 36 sản phẩm OCOP của 6 chủ thể tham gia; Sàn thương mại điện tử smartgap.vn có 18 sản phẩm OCOP của 2 chủ thể…

Nhằm chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, Đồng Nai đã phát động cuộc thi Thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm chương trình OCOP. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ các đơn vị xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap, HACCP. Triển khai, hỗ trợ áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất.

Đồng Nai đang tập trung xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định cũng đang là mục tiêu các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hướng tới.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, điển hình như ở huyện Xuân Lộc. Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Xuân Lộc, hiện địa phương này có hàng chục sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bổ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Để tiếp tục thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững đến năm 2025, Hội Nông dân huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký tham gia. Đồng thời, phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các xã, thị trấn triển khai đến bà con nông dân; khảo sát, lựa chọn mỗi xã 2 mô hình sản xuất hiệu quả để thực hiện chương trình.

Nhằm giúp nông dân có thể làm giàu bằng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, huyện Xuân Lộc đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ.

Hay như huyện Nhơn Trạch cũng đang ra sức tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và định hướng cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội để các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong cả nước, từ đó giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện nhà và mở rộng việc quảng bá cho các sản phẩm tiềm năng.

Theo lãnh đạo phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết hiện nay trên địa bàn huyện đang có 4 vùng sản xuất chính, nhưng chỉ có khu vực ven sông Đồng Nai là phát huy được tiềm năng về nông nghiệp, nhất là trồng lúa và sen. Nổi bật có các sản phẩm làm từ cây sen của Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Trường Phát đã tạo được thương hiệu riêng và có thị trường tiêu thụ ổn định. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát cho biết, đến nay, Hợp tác xã có 16 sản phẩm từ cây sen, trong đó có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao, Hợp tác xã được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm và mở rộng nguồn khách hàng địa phương.

Để tìm ra các sản phẩm thương hiệu, huyện Nhơn Trạch đã thành lập được Hội đồng đánh giá và nâng hạng các sản phẩm, trong 2 năm qua, đã tổ chức đánh giá, xếp hạng một số sản phẩm tiềm năng trên địa bàn.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP ở Đồng Nai đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn các địa phương, qua đó nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân./..

K.V(t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực