Phú Yên: Phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 02/09/2020 18:34
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, qua gần 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh này đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn.
leftcenterrightdel
Đưa giống lúa chất lượng cao vào canh tác trên đồng ruộng Phú Yên. (Ảnh: Báo Phú Yên) 

Theo đó, mặc dù sản xuất nông nghiệp thời gian qua có gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, cụ thể về trồng trọt, ngành nông nghiệp Phú Yên đã cơ cấu lại theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát triển các vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp. Năng suất nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục tăng, đáng chú ý, trong 3 năm gần đây năng suất lúa vụ Đông Xuân nằm trong top đầu các tỉnh có năng suất lúa cao của cả nước, an ninh lương thực được giữ vững, với sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 40 vạn tấn/năm.

Đến năm 2020, diện tích 2 vụ lúa chính sử dụng giống đạt tiêu chuẩn để gieo sạ chiếm tỷ lệ 73,8%3, tăng 41,7% so với năm 2016; tỷ lệ diện tích giảm lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha chiếm khoảng 50% (tăng 44,4%); chuyển đổi hơn 2.731 lượt ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác mang lại lợi nhuận hơn 86 tỷ đồng. Đồng thời đã lai tạo và nhân giống thành công nhiều giống cây nông nghiệp có ưu thế vượt trội. Xây dựng, phát triển được nhiều vườn cây ăn quả đạt chất lượng như sầu riêng, bơ, mít Thái, mãng cầu, cam, bưởi, quýt… tại huyện miền núi Sông Hinh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Phú Yên đã phát triển theo hướng trang trại, quy mô tập trung, gắn với kiểm soát dịch bệnh. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt khoảng 50 ngàn tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 20,4% trong cơ cấu nội bộ ngành.

Phú Yên đã thu hút đầu tư một số dự án chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao như: Trang trại chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH tại huyện Sơn Hòa; Trang trại chăn nuôi Colike, Trang trại Sơn An tại Tây Hòa; Trang trại Sơn Trang tại Phú Hòa,...

Đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, tỉnh Phú Yên cũng đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, nhờ đó hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng rừng tăng lên rõ rệt. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi ha đất trồng rừng sản xuất năm 2020 ở Phú Yên đã đạt khoảng 120 triệu đồng (gấp 2,1 lần so với năm 2015), giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 13,3%/năm. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2020 ước đạt 45%, tăng 6% so với năm 2015.

Theo lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm dần tỷ trọng khai thác ven bờ, gắn với chế biến và xuất khẩu, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2020 gấp 1,3 lần so với năm 2015 (bình quân 5,2%/năm).

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho rằng, đã có thời gian qua đã có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu đối tượng nuôi, phương thức nuôi nên sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng lên. Cùng với đó, Phú Yên đã xây dựng được một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, VietGap; hình thành vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGap.

Nhằm giúp người làm muối yên tâm sản xuất, tỉnh tiếp tục duy trì sản xuất muối trên diện tích đã quy hoạch tại thị xã Sông Cầu với 184 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 18.000 tấn đến 20.000 tấn. Công nghệ sản xuất và chế biến muối từng bước đổi mới, đến nay đã có 5 ha áp dụng công nghệ sản xuất muối phơi nước trên nền ô kết tinh trải bạt bước đầu có hiệu quả và tiếp tục nhân rộng để nâng cao chất lượng muối. Nhãn hiệu “Muối Tuyết Diêm” của Phú Yên đã được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận, đang được bảo hộ và phát triển.

Để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, Phú Yên cũng đã tập trung cho công tác phòng chống thiên tai và xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, trong 5 năm qua, Phú Yên đã xây dựng hoàn thành hơn 77 km kênh, 6 công trình thủy lợi có tổng năng lực thiết kế tưới cho hơn 2.000 ha cây trồng.

Hiện Phú Yên đang khẩn trương thi công hoàn thiện 5 công trình thủy lợi, trong đó có hệ thống thủy lợi Lỗ Chài 1 cấp nước theo quy trình tưới tiết kiệm cho khoảng 460 ha tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Có thể thấy, mục tiêu chung của tỉnh Phú Yên trong thời gian tới là tiếp tục phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu , nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp nhằm khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hướng đến phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết chuỗi sản xuất, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ; tạo dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh này./…

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực