|
Hội thảo trực tuyến "Giải mã xu hướng lao động và bài toán nhân lực cùng PwC’s Academy" . |
Ngày 25/8, Công ty TNHH PWC (Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến "Giải mã xu hướng lao động và bài toán nhân lực cùng PwC’s Academy" và chính thức ra mắt PwC’s Academy, dịch vụ nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Với cộng đồng các chuyên gia trên toàn cầu, PwC’s Academy chuyên thiết kế các giải pháp đào tạo phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại sự kiện ra mắt dịch vụ, PwC đã giới thiệu 6 chuyên ngành đào tạo bao gồm Kỹ năng số, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Tài chính và Nghiệp vụ, Quản trị và kiểm soát rủi ro, Phát triển nhân sự và năng lực lãnh đạo, và Thuế.
Khảo sát lực lượng lao động Châu Á - Thái Bình Dương 2022 (Asia Pacific Workforce Hopes & Fears Survey) của PwC cho thấy nhu cầu lao động có tay nghề đang tăng cao trong khu vực. Kỹ năng và chuyên môn mang tới cho người lao động sự tự tin cũng như khả năng đàm phán đãi ngộ tốt hơn. Nhân viên sẽ cảm thấy được trao quyền nhiều hơn nếu như họ có những kỹ năng cần thiết cho công việc. Người lao động có chuyên môn cao sẽ có lợi thế đặc biệt tại Châu Á Thái Bình Dương, nơi mà tình trạng thiếu hụt kỹ năng đang ngày càng xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy chưa tới một nửa (45%) các doanh nghiệp đang nâng cao kỹ năng cho người lao động của họ. Thông thường, các doanh nghiệp coi việc nâng cao kỹ năng là một giải pháp ngắn hạn để lấp đầy những thiếu hụt kỹ năng hơn là chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Một phần ba người tham gia khảo sát nói rằng quốc gia/ khu vực của họ thiếu những lao động có kỹ năng để thực hiện công việc. 42% lo lắng công ty của họ sẽ không đào tạo cho họ những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng số cần thiết.
Tại Việt Nam, người lao động thể hiện nhu cầu học hỏi mạnh mẽ. Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam cho thấy 84% người tham gia nói rằng họ sẽ học các kỹ năng mới hoặc rèn luyện lại các kỹ năng hiện tại ngay thời điểm này để dễ dàng tìm kiếm công việc trong tương lai, cao hơn so với tỷ lệ 77% của toàn cầu. 93% nói rằng họ hiện đang học các kỹ năng mới, trong đó phần lớn đang tự học. Một phần ba (33%) cho rằng đào tạo là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Những kỳ vọng và mong muốn của người lao động đang thay đổi mạnh mẽ trên toàn cầu và trong bối cảnh đó, quan điểm của doanh nghiệp trong việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên sẽ càng trở nên quan trọng trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài. Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động sẽ góp phần thúc đẩy sự hòa nhập và chia sẻ giá trị trong doanh nghiệp, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng một cách tổng thể hơn. Điều này đồng nghĩa với việc xem xét nhu cầu của cả nhân viên và doanh nghiệp trong dài hạn, hài hòa với sự thay đổi của thị trường.
Tại sự kiện, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết: “Các xu hướng hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội và thách thức đối với tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp, không ngoại trừ kế toán - kiểm toán. Cùng với Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và những giải pháp nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán của Chính phủ, Bộ Tài chính và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán rất cần có sự đồng hành liên kết và phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Những đơn vị tư vấn và cung cấp dịch vụ đào tạo những kỹ năng cần thiết cho kế toán, kiểm toán viên như PwC sẽ góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn dịch vụ kế - kiểm, giúp lực lượng lao động ngành kế toán, kiểm toán thích ứng với các xu hướng hội nhập và kỹ thuật số.”
Ông Quách Thành Châu, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo dịch vụ PwC’s Academy chia sẻ: “Đối mặt với những thách thức nâng cao kỹ năng chuyên môn, tín hiệu tích cực đó là người lao động đã sẵn sàng học tập và tham gia đào tạo. Đã đến lúc các CEO Việt Nam hành động và đặt nền móng cho chiến lược nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình. Tại PwC, cam kết nâng cao kỹ năng của chúng tôi không giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp. Chúng tôi mở rộng phạm vi để giúp các tổ chức khác xác định và giải quyết những thách thức cho lực lượng lao động của họ. Đó là lý do vì sao chúng tôi thành lập PwC’s Academy với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và thực thi chiến lược nâng cao kỹ năng hiệu quả. PwC tin rằng sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức giáo dục sẽ giải quyết vấn đề nâng cao kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tương lai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam”.
PwC’s Academy tại Việt Nam là một phần trong mạng lưới các PwC’s Academy có mặt tại 40 quốc gia trên toàn thế giới. PwC’s Academy cung cấp dịch vụ đào tạo cho thị trường Việt Nam thông qua cộng đồng các chuyên gia PwC có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về ngành, cùng phương pháp tiếp cận cân bằng giữa lý luận và thực tiễn. Sáu chuyên ngành đào tạo bao gồm Kỹ năng số, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Tài chính và Nghiệp vụ, Quản trị và kiểm soát rủi ro, Phát triển nhân sự và năng lực lãnh đạo, và Thuế sẽ cung cấp các giải pháp đào tạo đa dạng: Hội thảo chuyên môn, đào tạo nội bộ, đào tạo theo nhu cầu và đào tạo trực tuyến (eLearning).
Công nghệ và các kỹ năng mới sẽ giúp người lao động chuẩn bị cho một tương lai bền vững. Trong bốn giải pháp đào tạo, giải pháp đào tạo trực tuyến (eLearning) được thiết kế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân nâng cao kỹ năng một cách linh hoạt. Các khóa học và lộ trình đào tạo được lựa chọn kỹ càng bởi cộng đồng các chuyên gia giải pháp của PwC, bao gồm khóa học về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và Kế toán, cùng một thư viện phong phú các chủ đề từ Lãnh đạo, Kinh doanh, Phát triển công nghệ, tới Tuân thủ.
PwC’s Academy là một phần trong nỗ lực của PwC nhằm thực hiện các cam kết giải quyết thiếu hụt kỹ năng do tác động công nghệ cũng như nhấn mạnh lợi ích xã hội và kinh tế của sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực kinh tế tư và công trong việc nâng cao kỹ năng và đào tạo các kỹ năng mới. PwC sẽ tiếp tục nỗ lực để góp phần kiến tạo môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập để người lao động được cống hiến hết sức mình.