Quảng bá du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn

Thứ sáu, 20/11/2020 18:00
(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2020, ngày 20/11, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa tổ chức Hội nghị giới thiệu du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Thanh Hoá cách thủ đô Hà Nội 154 km, nơi đây hội tụ đầy đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế: Miền núi, trung du, đồng bằng ven biển; nguồn tài nguyên phong phú bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản; được ví như hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam.

Với vị trí cửa ngõ hành lang kinh tế Đông - Tây, Côn Minh - Hải Phòng và là trục giao lưu nối liền Bắc bộ với Trung bộ, Nam bộ, Thanh Hóa có hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch: Đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt xuyên Việt, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh, đường chiến lược 15A xuyên suốt vùng trung du và miền núi Thanh Hoá, đường 217 nối với nước bạn Lào.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị

Thanh Hóa là nơi có đường biển dài từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia tương đối bằng phẳng với những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Sầm Sơn, Quảng Lợi (huyện Quảng Xương); Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá), Hải Hoà (huyện Tĩnh Gia); Hòn Mê, Hòn Nẹ, Đảo Nghi Sơn… Ở vùng núi đá vôi Thanh Hoá có nhiều hang động đẹp gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hoá như động Từ Thức (huyện Nga Sơn), Động Long Quang, động Tiên Sơn (TP Thanh Hoá), động Hồ Công, động Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc), động Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia); động Bàn Bù hay còn gọi là Hang Ngán (huyện Ngọc Lặc), hang Con Moong (Thạch Thành), động Cây Đăng (Cẩm Thuỷ), Lò Cao kháng chiến ở khu vực Bến En và những khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi như Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Bến En… là những điểm du lịch kỳ thú ngày càng hấp dẫn du khách đến với du lịch mạo hiểm ở Thanh Hoá.

Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh với 833 di tích đã được xếp hạng, trong đó có: 01 Di sản Thế giới (Thành Nhà Hồ); 03 di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân và Hang Con Moong, huyện Thạch Thành); 142 di tích Quốc gia; 687 di tích cấp tỉnh. Vùng đất Thanh Hóa là nơi sinh tụ của 6 dân tộc thiểu số, mà mỗi tộc người mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh lung linh đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh.

Ngoài ra, hệ thống văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa cũng rất đa dạng và đặc sắc, từ các loại hình nghệthuật, các điệu hò trên sông Mã đến các làn điệu dân ca, dân vũ (hò sông Mã, hát sẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, múa sặp, múa xoè…); những lễ hội (Bà Triệu, Lam Kinh, Sòng Sơn, Hàn Sơn…), ẩm thực (chè Lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, báo Sâm, nem chua, dừa, cá Mè sông Mực, nước mắm Do Xuyên…), làng nghề truyền thống (đúc đồng, đá Nhồi, dệt thổ cẩm, chiếu cói Nga Sơn…), phong tục tập quán của 7 tộc người anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú trên vùng đất xứ Thanh.

leftcenterrightdel
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị 

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, hoạt động đầu tư phát triển du lịch được quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch không ngừng mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng, tiện nghi, hiện đại; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, theo hướng văn minh, lịch sự; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức tổ chức...

Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa ước đón được 38.385.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm; trong đó, khách quốc tế ước đón được 906.760 lượt. Tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 49.093 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm; trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 245 triệu USD.

Trong thời gian tới, Thanh Hóa hướng đến mục tiêu năm 2025 đón 16 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/ năm; tổng thu từ du lịch đạt hơn 45.000 tỷ đồng. Thanh Hóa cũng phấn đấu có 1.050 cơ sở lưu trú với tổng số 50.000 phòng; 62.000 lao động làm việc trong ngành du lịch vào năm 2025... Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến du lịch tại Thanh Hóa./.

Tin, ảnh: HL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực