Quảng bá sâu rộng na Chi Lăng và sản phẩm OCOP Lạng Sơn 2021

Thứ hai, 19/07/2021 16:28
(ĐCSVN) – Trong vài năm trở lại đây, thương hiệu na Chi Lăng và một số sản phẩm OCOP đặc thù của Lạng Sơn đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, ưa chuộng. Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, việc tăng cường tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử được đặt lên hàng đầu.

Đây cũng là nội dung được thảo luận sôi nổi, tích cực tại Hội nghị trực tuyến Xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng  và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021 diễn ra sáng 19/7 tại hai điểm cầu chính: Hà Nội và Lạng Sơn; cùng sự tham dự, chứng kiến của 8 điểm cầu khác tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.

 Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, chủ trì tại đầu cầu Hà Nội nhấn mạnh, đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “San sẻ yêu thương – chung tay vượt qua đại dịch COVID-19” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai nhằm đồng hành cùng các địa phương, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh.

Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp Đào Văn Hồ, đồng chủ trì tại đầu cầu Hà Nội khẳng định, Hội nghị trực tuyến lần này tạo ra kênh kết nối hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nêu cao tinh thần “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” của người tiêu dùng.

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn Lý Việt Hưng cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được kết quả tích cực, vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổng giá trị sản xuất na ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên ha canh tác na đạt 275 triệu/ha.… 

Đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, tới đây, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu tại nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy để xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn; Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông lâm nghiệp của tỉnh; Tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi các kín từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp, cơ sở chế biến nông sản quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; Xây dựng các chuyên mục về cơ sở dữ liệu, tuyên truyền ứng dụng đồng thời vận dụng xây dựng cơ chế chính sách ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường truyền thông quảng bá giúp lan tỏa thương hiệu OCOP.

Sản phẩm na Chi Lăng, Lạng Sơn có dán mã truy xuất hàng hóa (Ảnh: HNV) 

Tại Hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tin học và công nghệ số, Cục thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương đã  thông tin về gian hàng Việt trực tuyến trên sàn điện tử được triển khai từ năm 2020 và bắt đầu đẩy mạnh từ năm 2021, hướng tới tạo ra một dạng siêu thị trên sàn điện tử với phạm vi tiếp cận khách hàng của 63 tỉnh, thành và hướng tới nước ngoài, trong đó tập trung cho các mặt hàng nông sản Việt.

Đại diện một số sàn thương mại điện tử tham dự gian hàng như: Sen đỏ - Trang thương mại điện tử FPT (sendo.vn), Vỏ sò – Sàn thương mại điện tử của khách hàng VIETELPOST (voso.vn) cũng khẳng định tính quan trọng và tiện ích to lớn của các sàn trong thay đổi thói quen người tiêu dùng thời kỳ hiện nay, khi chỉ có nhu cầu trực tuyến mới đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Đại diện một số tỉnh tham gia Hội nghị: Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng thông tin nhanh về sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm trong ứng phó dịch bệnh mà không làm đứt gãy sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản nói riêng và các sản phẩm hàng hóa khác nói chung. Hầu hết các địa phương đều đề cao vai trò của các sàn thương mại điện tử và giao dịch trực tuyến trong kết nối nông dân – doanh nghiệp – người tiêu dùng một cách thiết thực trong bối cảnh giãn cách và cách ly xã hội do dịch bệnh như hiện nay.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Lạng Sơn với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực