Quảng Nam tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ sáu, 03/12/2021 15:03
(ĐCSVN) - Hướng đến kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), 25 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2022), trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XXII Đảng bộ tỉnh.

Sáng 03/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi thông tin với báo chí về một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì và trực tiếp thông tin các nội dung có liên quan đến các cơ quan báo chí.  

 Quang cảnh tại buổi thông tin (Ảnh: Đình Tăng).

Năm 2022 là năm tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), 25 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2022), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XXII Đảng bộ tỉnh.

Theo đó, Quảng Nam tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, như: Tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19; phục hồi và phát triển kinh tế trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư; đầu tư hạ tầng then chốt; đầu tư phát triển nông thôn, miền núi; sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; thực hiện quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, môi trường; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2022 và đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chuẩn bị tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh năm 2022, giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát lại hiện trạng, điều kiện cụ thể để có giải pháp hình thành vùng quy mô tập trung lớn đối với các sản phẩm chủ lực (sâm Ngọc Linh, quế, lúa giống, rau thực phẩm, cây dược liệu, tôm, thịt heo, thịt gà, cây ăn quả....); nghiên cứu chính sách thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp để làm nòng cốt tổ chức lại sản xuất  trên cơ sở tạo mối liên kết bền chặt, hiệu quả với các hợp tác xã và hộ nông dân, hình thành các vùng chuyên canh lớn, các trang trai chăn nuôi qui mô công nghiệp, bán công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã giao ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các huyện miền núi đánh giá, phân bố lại khu vực trồng rừng phù hợp, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình để chuyển đổi rừng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng nguyên liệu gỗ lớn, có giá trị gia tăng cao hơn gắn với quản lý rừng bền vững để làm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu. Với các địa bàn phía Đông, ven biển kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các địa phương có tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học.

Về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đầu tư cho khu vực nông thôn và miền núi, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là những lĩnh vực trọng tâm, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm và có chiến lược dài hơn. Tuy nhiên, bước vào năm 2022 sẽ là năm làm thật, làm chắc, đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt. Qua đó tiếp tục giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế, yếu kém thời gian qua, đồng thời tiếp tục có những cơ chế, chính sách mới và ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển với mục tiêu thu hút khoảng cách giữa khu vực nông thôn với thành thị, giữa miền núi, vùng ven biển với đồng bằng, đô thị. Phát huy vai trò các trung tâm, nhất là các đô thị, cảng biển, nhà ga, sân bay; chú trọng phát triển các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái…/.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực