Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực

Thứ tư, 05/10/2022 12:45
(ĐCSVN) - Qua 9 tháng năm 2022, kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực; khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng trưởng khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi họp báo thông tin  tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh tháng 9, quý III năm 2022 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2022.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang thông tin tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh tháng 9, quý III năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) Quảng Nam ước tính quý III/2022 tăng cao ở mức 18,7%; GRDP 9 tháng năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước; xếp thứ 2/5 trong Khu vực trọng điểm kinh tế Miền Trung; đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung về tốc độ tăng trưởng kinh tế; dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của tỉnh tăng trên 10%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5-8%).

Cùng với sự tăng trưởng trên, quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2022 của Quảng Nam đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng; Quảng Nam xếp vị thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước; 04/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung (sau Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng); 2/5 tỉnh Khu vực trọng điểm kinh tế Miền Trung.

Cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2022 khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 14,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,7%; khu vực dịch vụ chiếm 32,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,7%.

Về tình hình phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 và kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2022 giao đầu năm 5.861,2 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2022 sau khi bổ sung là 6.861,8 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ đạt 97,4% kế hoạch vốn. Kế hoạch vốn còn lại 175,9 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương 34,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương 141,6 tỷ đồng, dự kiến sẽ phân bổ và điều chuyển hết trong tháng 10/2022.

Trên lĩnh vực cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm tới nay, Quảng Nam tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước.

Đến cuối tháng 9/2022, cả tỉnh có 999 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10,26% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 6.185 tỷ đồng, giảm 13,98% so với cùng kỳ; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 6,19 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 505 doanh nghiệp, tăng 33,58%. Số doanh nghiệp đã giải thể 170 doanh nghiệp, tăng 26,87% (tương ứng tăng 36 doanh nghiệp); số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 766 doanh nghiệp, tăng 24,35% (tương ứng tăng 150 doanh nghiệp).

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Nam đã cấp mới 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 28,94 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 194 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD và cấp mới 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8368,98 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 964 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242 nghìn tỷ đồng.

Trên các lĩnh vực xã hội, tổng số tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 30/9/2022 là 20.863 người (đạt 88% kế hoạch). Có 788 thanh niên đăng ký tham gia học nghề theo Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh, theo đó tỉnh đã giải quyết chế độ cho 505 thanh niên hoàn thành chương trình đào tạo với kinh phí hơn 4,9 tỷ đồng.

Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp ngày càng phù hợp, phục vụ tốt nhu cầu học tập của xã hội. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được quan tâm, chú trọng; tính đến thời điểm này, có 542 trường học đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 68,2%.

Tính đến nay, tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 tại tỉnh người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1,2 đạt 100%; mũi 3 (không tính mũi bổ sung): 557.038 người (đạt 51,4%). 3 địa phương tiêm thấp: Núi Thành (39,4%); Điện Bàn (42,4%); Tiên Phước (43,1%). Mũi 4: 200.584 người (75,1%). 3 địa phương tiêm thấp: Duy Xuyên (48,9%), Núi Thành (59,3%), Tam Kỳ (62,9%).

Trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mũi 1,2 đạt 100%; mũi 3: 61.507 (48,1%), 3 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp là: Núi Thành (30,0%), Điện Bàn (33,1%), Tam Kỳ (36,0%).

Trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1: 131.753 trẻ (đạt 81,7%). 3 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp là Hội An (50,9%), Núi Thành (63,7%), Điện Bàn (75,1%); tiêm mũi 2: 54.136 trẻ (đạt 33,5%). 3 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp là Tam Kỳ (16,5%), Hội An (19,9%) và Tiên Phước (24,2%).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mặc dù tình hình phát triển kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến kể trên; tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, trong đó đáng chú ý là với nguồn thu từ tiền sử dụng đất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn thu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa đạt tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra; tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn chậm; dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế tuy nhiên với những biến thể mới dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường….

leftcenterrightdel
Quang cảnh tại buổi họp báo thông tin t ình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Nam tháng 9, quý III năm 2022 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2022. 

Về nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2022, Quảng Nam tiếp tục rà soát và chủ động đề ra các giải pháp thiết thực, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra; chủ động chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Tập trung triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023 - 2025 theo chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 những tháng cuối năm 2022; xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Tiếp tục rà soát, tổ chức thanh tra, kiểm tra, thu hồi các dự án không thực hiện đúng cam kết theo quy định; giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vướng mắc về đất đai.

Chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống thiên tai, kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm 2022. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế tình trạng lây lan, tái phát; đẩy mạnh các giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả…./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực