Quyết tâm gỡ khó cho vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 16/09/2021 10:19
(ĐCSVN) - 8 tháng qua, 2 vùng là Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 với các ca nhiễm cao nhất cả nước và triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô và thời gian dài nhất cả nước.

Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương

leftcenterrightdel
 Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu của cả nước (Ảnh: HNV)

Chiều 15/9, tiếp tục chuỗi hội nghị trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hướng dẫn, trao đổi với các địa phương để đánh giá những kết quả dự kiến đạt được trong năm 2021, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch, dự kiến kế hoạch cho năm 2022.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, các tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố phía Nam triển khai nhiệm vụ năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước, dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian giãn cách dài đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống nhân dân, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của vùng Đông Nam bộ và lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL, đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 vùng.

Tốc độ tăng trưởng của vùng giảm

leftcenterrightdel
 10/19 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị đều đi thẳng vào vấn đề (Ảnh: HNV)

Báo cáo khái quát về tình hình kinh tế - xã hội và đầu tư công của hai vùng 8 tháng qua, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ Bùi Thị Thu Thuỷ cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của 2 vùng trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước (vùng ĐBSCL đạt 4,5%, vùng Đông Nam bộ đạt 4,58%, cả nước là 5,64%). Mặc dù một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước như Bình Phước (6,16%), Tây Ninh (7,04%), Bình Dương (7,23%), Long An (6,06%), Bến Tre (6,47%), Bạc Liêu (7,17%) nhưng trước tình hình ảnh hưởng nặng của dịch bệnh thì dự kiến cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng của 2 vùng còn thấp hơn nữa, thậm chí một số tỉnh, thành phố có thể bị tăng trưởng âm.

Thu ngân sách nhà nước trên 2 vùng trong 8 tháng đạt hơn 495.000 tỷ đồng, chiếm hơn 46,5% số thu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của 2 vùng ước đạt 87,54 tỷ USD, chiếm khoảng 41,1% cả nước, trong đó vùng Đông Nam bộ ước đạt 77,9 tỷ USD, chiếm khoảng 36,6% cả nước, tăng khoảng 21,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đầu năm 2021 là 10,54 tỷ USD, chiếm khoảng 55,14% cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng là 37.252 doanh nghiệp, chiếm 45,6% cả nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với nhận định, với diễn biến dịch bệnh nặng nề trong đợt bùng dịch lần thứ tư này, xu hướng tăng trưởng của các tỉnh, thành phố trong đó có TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Yêu cầu hàng đầu đặt ra bây giờ là phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giảm ca nhiễm và nhanh chóng điều trị sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân.

Đặc biệt, các ý kiến cũng cho rằng, dịch bệnh diễn biến nhanh, mạnh đã làm cả hai vùng gần như “chao đảo”, cầu giảm dẫn đến suy giảm hoạt động sản xuất, giãn cách kéo dài khiến đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và lao động. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần nêu cao tinh thần quyết tâm cao, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị của vùng nói chung và từng địa phương thuộc vùng nói riêng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phủ rộng tiêm vắc-xin đề từng bước tháo dỡ giãn cách, chủ động linh hoạt trong tiếp nhận lao động trở lại sản xuất – kinh doanh, nhất là tại các địa bàn vùng trọng điểm phát triển công nghiệp. Cùng với đó cần đảm bảo thực hiện hiệu quả các Nghị quyết 68 và 86 về gói hỗ trợ an sinh xã hội do dịch bệnh COVID-19, đồng thời phải tính cả “độ trễ” của chính sách khi đưa vào triển khai trong thực tiễn, nhất là với kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo từng địa phương gắn với kiểm tra giám sát chặt chẽ, đồng thời nâng cao năng lực dự báo nhu cầu, đề xuất nhu cầu đầu tư, phù hợp năng lực giải ngân, tập trung rà soát kỹ, thúc đẩy tối đa việc đạt tiến độ giải ngân, cập nhật dự báo sát với xu hướng thực tiễn, xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải và theo thứ tự ưu tiên, phân bổ nguồn lực gắn với quy hoạch theo ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị (Ảnh: HNV)

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. “TPHCM đã quyết liệt tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; sâu sát chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, điều hành đồng bộ. Tuy nhiên, TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất, với mật độ dân số cao nhất cả nước đã và đang tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nói.

Cũng nhân dịp này, đại diện cho TPHCM đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất, cụ thể: Đề nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. “Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm. Chúng tôi ước tính riêng TPHCM cần khoảng 8 tỷ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế”, đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

TP cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TPHCM ở mức 23%, giúp TP có nguồn lực để phục hồi nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục… thông qua việc cho phép TPHCM thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TPHCM đã kiến nghị.

Ý kiến của đại diện các địa phương đến từ: Cần Thơ, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Trà Vinh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp… cũng thống nhất cao về nội dung sống thích ứng an toàn với dịch bệnh, “an toàn đến đâu mở rộng hoạt động đến đó”, từng bước kiểm soát chắc và hiệu quả dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và tăng cường các năng lực thích ứng dịch bệnh chủ động từ mỗi người dân và toàn hệ thống từ cơ sở trở lên.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu trực tiếp trong khuôn khổ Hội nghị khi đi thẳng vào vấn đề, tập trung giải đáp các khó khăn, vướng mắc. Dịp này, Thứ trưởng cũng cho biết, với các kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị, Bộ có hai hướng giải quyết, thứ nhất là trả lời ngay nếu thuộc phạm vi, thẩm quyền và giao Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ tổng hợp, gửi văn bản trực tiếp tới từng tỉnh, thành phố trong khu vực; thứ hai thuộc thẩm quyền ở cấp cao hơn thì Bộ sẽ lồng ghép để báo cáo Chính phủ và đưa vào nội dung làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ mà Bộ là thành viên thường trực./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực