Sản xuất gặp khó do dịch COVID-19 bùng phát

Thứ ba, 03/08/2021 15:50
(ĐCSVN) – Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và kinh tế cả nước trong tháng 7 và 7 tháng qua.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định

 Infographic sản xuất nông nghiệp (Nguồn: TCTK)

Các dữ liệu và số liệu từ Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng 2021 của Tổng cục Thống kê đã chỉ rõ qua từng mảng, lĩnh vực cơ bản và quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 7 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Các địa phương trên cả nước tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh đang diễn ra tại một số địa phương; dịch COVID-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến lâm sản, thủy sản xuất khẩu.

  Infographic sản xuất công nghiệp và tình hình đăng ký doanh nghiệp (Nguồn: TCTK)

Đối với sản xuất công nghiệp, dịch COVID-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy và 7 tháng năm nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng Hai có số ngày làm việc ít nhất). Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với 7 tháng năm 2020.

Đặc biệt, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng 6 và giảm 22,5% so với cùng kỳ 2020. Trong tháng, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng 6 và tăng 2,2% so với cùng kỳ 2020.

 Infographic bản lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và xuất nhập khẩu (Nguồn: TCTK) 

Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2020. Bên cạnh đó, còn có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đến một lĩnh vực bị tác động hiếm hoi hơn bởi dịch bệnh là đầu tư nước ngoài mà trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng không chỉ trong nước mà trong khu vực và trên thế giới như hiện nay cũng bị giảm sút. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ 2020. Đáng mừng là, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2021, ước tính đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2020.

 Infographic tình hình đầu tư trong và ngoài nước (Nguồn: TCTK) 

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2021 có 28 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ 2020; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,8 triệu USD, bằng 9,1 lần so với cùng kỳ 2020. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 570,1 triệu USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ 2020.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 6. Vận tải hành khách tháng 7 giảm 24,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 25,7% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11,6% về sản lượng vận chuyển và giảm 6,4% về sản lượng luân chuyển. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 7,5 nghìn lượt người, giảm 46,4% so với cùng kỳ 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2021 đạt 27,2 tỷ USD. Ước tính tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ 2020 với 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2021 đạt 27,66 tỷ USD. Ước tính tháng 7/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ 2020.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 nhập siêu 455 triệu USD; 6 tháng nhập siêu 1 tỷ USD; tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD...

Dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp, trước tình hình đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là vùng ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh với tổng gói hỗ trợ là 26 nghìn tỷ đồng. Đồng thời các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã sử dụng một phần kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhóm yếu thế, người lao động… do vậy, đời sống của người dân cơ bản ổn định.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực