Sơn La: Đồng hành cùng nông dân trong mùa dịch

Thứ ba, 21/09/2021 11:57
(ĐCSVN) - Với những cách làm phù hợp, kịp thời, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La đã thực sự đồng hành cùng nông dân duy trì sản xuất và bảo đảm đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến chuỗi sản xuất và cung ứng.

Nhiều cách làm hay...

Những năm gần đây, Sơn La nổi lên như một “hiện tượng” trong phát triển sản xuất cây ăn quả. Đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là trên 78.850 ha; sản lượng thu hoạch đạt hơn 336.330 tấn, với giá trị sản xuất ước đạt gần 3.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã kéo theo những khó khăn, thách thức trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn toàn tỉnh. Trước tình hình đó, Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với những cách làm hiệu quả, phù hợp để hỗ trợ và giúp người nông dân từng bước gỡ khó.

Sông Mã là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất của tỉnh Sơn La. Trước tác động của dịch bệnh, huyện Sông Mã đã thành lập Tổ công tác xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của huyện gồm 19 thành viên, do Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng. Hằng ngày, tổ công tác nắm số lượng tiêu thụ nông sản của từng gia đình, hợp tác xã và những khó khăn, vướng mắc đang gặp, tránh tình trạng nông sản ùn ứ, ách tắc; bám sát diễn biến của dịch bệnh, xây dựng kế hoạch điều chỉnh phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm...

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Sông Mã, tác động của dịch đến sản xuất là rất lớn. Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để hỗ trợ nông dân nhằm duy trì chuỗi sản xuất, tiêu thụ; phấn đấu giữ vững diện tích, sản lượng để bảo đảm đời sống cho nông dân.

 Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021. (Ảnh: NH).

Cùng với các địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất để vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Nếu như các năm trước, tỉnh thường xuyên xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng nông sản với các quy mô khác nhau, thì năm nay, trước thời điểm thu hoạch các loại nông sản, tỉnh Sơn La đã tổ chức các hội nghị trực tuyến, kết nối tiêu thụ nông sản. Điển hình như tháng 5/2021, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 đã được tỉnh tổ chức và kết nối tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và 10 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngay sau Hội nghị, tỉnh Sơn La đã được hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào quảng bá, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài; có phương án lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong nước và các địa phương có cửa khẩu; tổ chức Tuần hàng đặc sản Sơn La trên các sàn thương mại điện tử...

Với quan điểm đồng hành cùng người sản xuất, Sơn La đã tăng cường hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Việc hỗ trợ tập trung vào các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng kho bảo quản; container đông lạnh; lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh; ứng dụng máy móc thiết bị để sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn, xoài, mận, chanh leo và các loại rau trên địa bàn tỉnh... Đến đầu tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có 592 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đăng ký nhận hỗ trợ, với trị giá trên 38,5 tỷ đồng.

Chị Lò Thị Thơm, chủ một cơ sở chế biến nhãn tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã chia sẻ: “Dịch bệnh gây khó khăn cho cả sản xuất và tiêu thụ. Để chủ động đầu ra cho sản xuất, gia đình tôi đã đầu tư thiết bị chứa nhãn tươi. Vì thế, ngay cả khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì tôi vẫn không quá lo vì có thể bảo quản nhãn sau thu hoạch từ 1-2 tháng để chế biến dần. Chủ trương hỗ trợ của UBND tỉnh là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục duy trì các hoạt động chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh”.

Sát cánh cùng người sản xuất

Theo đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trước những thách thức rất lớn do tác động của dịch COVID-19, bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La đã luôn sát cánh để hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong tỉnh sản xuất và tiêu thụ nông sản. Quyết tâm chung của toàn tỉnh là, bằng mọi giá phải tiêu thụ hết nông sản cho người dân với giá cả hợp lý; nỗ lực giảm thiểu mọi ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra đối với người nông dân.

Sự hỗ trợ kịp thời đã giúp các mặt hàng nông sản của Sơn La vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. (Ảnh: YT). 

Từ đầu năm 2021 đến nay, bên cạnh việc xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, Sơn La liên tục đẩy mạnh hoạt động kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh, để hỗ trợ thu mua, chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo. Chỉ tính riêng trong việc tiêu thụ nhãn, mặt hàng chủ lực của Sơn La, đến ngày 15/9, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 117.168 tấn nhãn. Trong đó, tiêu thụ trong nước 52.415 tấn quả tươi qua hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng phân phối tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An...;  xuất khẩu 157 tấn quả tươi sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, và một số nước EU. Các cơ sở chế biến đã thực hiện sấy 64.596 tấn quả tươi được 6.459 tấn long nhãn; hiện đã tiêu thụ trong nước 2.650 tấn, xuất khẩu 3.345 tấn sang thị trường Trung Quốc.

Được biết, với quyết tâm đồng hành cùng nông dân, tỉnh Sơn La đã giao Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết về việc tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản. Theo đó, thời gian tới nếu tình trạng dịch được kiểm soát ổn định thì tiếp tục xuất khẩu nông sản, đưa vào chế biến và bán ở thị trường nội địa. Trường hợp tình hình dịch phức tạp thì đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử và tập trung chế biến sâu. Trường hợp phải giãn cách xã hội sẽ tập trung đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử và bảo quản bằng kho lạnh.

Có thể thấy, với việc chủ động thích ứng cùng các tác động do dịch COVID-19 gây ra, tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là đã phát huy vai trò người đứng đầu địa phương trong chỉ đạo hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm... Kết quả thu được từ chủ trương đúng đắn này là đến thời điểm giữa tháng 9/2021, hàng trăm nghìn tấn nông sản của người nông dân trong tỉnh đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua đó, vừa giúp duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập cho nông dân; vừa là cơ sở để địa phương tăng cường các nguồn lực nhằm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, cũng góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân; đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch có hiệu quả./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực