Sơn La và “bài toán” phát triển cây nhãn

Thứ sáu, 17/08/2018 10:57
(ĐCSVN) - Là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất miền Bắc, năm nay do thời tiết thuận lợi nên người trồng nhãn ở Sơn La đang có một mùa quả hứa hẹn bội thu. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là “bài toán” đặt ra đối với nhiều cơ quan để người nông dân được hưởng trọn vẹn niềm vui được mùa, được giá.

Mừng, lo được mùa

Theo nhiều hộ trồng nhãn ở tỉnh Sơn La, thời tiết năm nay ít mưa, tỷ lệ nhãn ra hoa đạt tới trên 95%, hứa hẹn sẽ mang đến một mùa bội thu. Tuy nhiên, niềm vui được mùa luôn đi cùng với nỗi lo mất giá, nhất là trong bối cảnh, việc tiêu thụ phần lớn sản lượng nhãn đang phụ thuộc vào các đầu mối thương lái.

Cây nhãn đã giúp nhiều nông dân Sơn La có thêm thu nhập, nâng cao đời sống (Ảnh: MH)

Cây nhãn được người dân đưa về trồng tại Sơn La từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ XX. Ban đầu, bà con chỉ trồng nhãn một cách tự phát, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Đến nay, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chú trọng đầu tư của người dân, cây nhãn đã được đẩy mạnh phát triển theo hướng hàng hóa. Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Sơn La có gần 12.300 ha diện tích trồng nhãn; trong đó diện tích cho thu hoạch là khoảng 7.826 ha với sản lượng ước đạt trên 40.000 tấn nhãn quả. Những con số trên chính là kết quả thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nhất là cây nhãn trên địa bàn nhiều huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Đặc biệt, những năm gần đây, việc sản xuất nhãn đã được tỉnh Sơn La chú trọng nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP... Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La đang có 60 hợp tác xã (HTX) trồng nhãn trên diện tích 950,5 ha. Trong đó, 12 HTX được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 238,1 ha, sản lượng ước tính 1.594,5 tấn; đồng thời được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN với diện tích khoảng 61,35 ha, sản lượng khoảng 500 tấn…

Tìm hiểu được biết, bên cạnh những “điểm nhấn” nói trên, việc phát triển cây nhãn trên diện rộng ở Sơn La cũng đang vấp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt là vấn đề “đầu ra” cho trái nhãn. Bởi tỷ lệ vườn nhãn được ký kết bao tiêu sản phẩm thông qua HTX, doanh nghiệp (DN) hiện rất ít. Vào vụ thu hoạch nhãn, người dân chủ yếu tự liên hệ tiêu thụ sản phẩm và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Anh Lò Văn Thanh, một người dân ở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chia sẻ: “Hiệu quả kinh tế cây nhãn mang lại trong mấy năm gần đây hơn hẳn các loại cây mà gia đình tôi đã từng trồng. Tuy nhiên, giá bán nhãn thì không ổn định; lúc cao lúc thấp. Với gần 4 ha đang cho thu hoạch, điều tôi lo lắng nhất đó là thương lái họ không mua hoặc mua với giá thấp vì nhãn đến vụ thu hoạch không hái, không bán thì coi như bỏ đi”.

Thực tế, không chỉ riêng anh Lò Văn Thanh mà phần lớn người trồng nhãn ở Sơn La đều thường trực nỗi lo về giá bán nhãn thấp mỗi khi đến vụ thu hoạch. Nỗi lo đó càng lớn hơn khi năm nay nhiều khả năng người trồng nhãn sẽ có một vụ quả bội thu. Những năm trước, đã có thời điểm giá nhãn Sơn La giảm sâu với mức thu mua “chạm đáy” là khoảng 5.000 đồng/kg (năm 2013) hoặc 7.000 - 8.000 đồng/kg (năm 2015). Theo người trồng nhãn, với mức giá này thì người nông dân sẽ phải chịu lỗ vì để kiến thiết được một vườn nhãn 1 ha phải mất không dưới 200 triệu đồng trong 3 năm.

Cần những giải pháp “dài hơi”

Với mục tiêu đồng hành cùng người nông dân, những năm gần đây, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Sơn La đã triển khai khá nhiều hoạt động nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn trên cơ sở bảo đảm tốt “đầu ra” cho sản phẩm. Cùng với việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển cây nhãn, hàng năm, Sơn La đã rất chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ các loại nông sản nói chung và trái nhãn nói riêng. Chỉ tính riêng trong năm nay, dự kiến Sơn La sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn. Điển hình như “Ngày hội Nhãn Sông Mã” từ 28 - 30/7, Hội nghị xúc tiến xuất khẩu và hội chợ nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian từ 30/8 - 8/9/2018… Tại Hà Nội, tỉnh Sơn La cũng sẽ tổ chức tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La (vào các thời điểm: 17 - 19/8, 24 - 26/8…); hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn và tuần lễ nhãn, nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 từ ngày 3 - 10/8/2018. Tỉnh Sơn La cũng có kế hoạch triển khai sự kiện “Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La, Việt Nam năm 2018” tại Trung Quốc… Những hoạt động trên chính là cơ hội thuận lợi để quảng bá hình ảnh, chất lượng nông sản Sơn La nói chung, trái nhãn nói riêng đến với người tiêu dùng và các thị trường mới.

Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại

để mở rộng thị trường tiêu thụ trái nhãn. (Ảnh: MH)

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu chỉ tập trung vào các sự kiện xúc tiến thương mại là chưa đủ bởi hiện nay, diện tích trồng nhãn của Sơn La đang tăng mạnh qua từng năm. Để không còn cảnh người dân lo lắng khi được mùa nhãn và cây nhãn thực sự mang lại hiệu quả cao, bền vững, Sơn La cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài.

Theo đó, Sơn La cần xây dựng, hoàn chỉnh và quản lý tốt quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nhãn. Thực tế, nhiều địa phương đã phải trả giá cho việc phát triển ồ ạt các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tổng thể các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nhãn phải được thực hiện một cách nghiêm túc; tránh tình trạng người dân phát triển một cách tự phát, phá vỡ quy hoạch. Bởi việc tự ý mở rộng diện tích nhãn không chỉ làm giảm giá trị trái nhãn, lãng phí đầu tư mà còn là nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá” như đã xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản trong thời gian qua.

Cùng với đó, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng bá về trái nhãn cũng cần chú trọng xúc tiến thương mại để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản. Đến nay, Sơn La đã có 2 đơn vị tham gia vào khâu chế biến trái cây là Công ty CP Nafoods Tây Bắc (chủ yếu chế biến chanh leo) và Tập đoàn TH (năng lực chế biến khoảng 30.000 tấn/năm). Dự kiến, 2 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản sẽ giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, trong đó có trái nhãn.

Về lâu dài, cần tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ người dân triển khai thực hiện một số mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm giúp nông dân ứng dụng rộng rãi vào các khâu sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cần duy trì các vùng nhãn VietGAP đã được thực hiện từ những năm trước, đồng thời mở rộng thêm diện tích mới; chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây là giải pháp cơ bản giúp người trồng nhãn dần thoát khỏi sự chi phối của thương lái; bảo đảm hiệu quả phát triển lâu dài của cây nhãn.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nói trên sẽ góp phần quan trọng để cây nhãn Sơn La thực sự trở thành loại cây ăn quả chủ lực của người dân địa phương trên cơ sở hiệu quả, bền vững./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực