Sử dụng hợp lý và bền vững đất lâm nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành

Thứ sáu, 24/06/2016 21:54
(ĐCSVN) – Ngày 24/6, tại Hà Nội, Hội thảo “Sử dụng hợp lý và bền vững đất lâm nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành: Thực trạng và giải pháp” đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học về lâm nghiệp.

Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp tổ chức. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp  Nguyễn Văn Hà,  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA  Nghiêm Vũ Khải đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Văn Hà,  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA  Nghiêm Vũ Khải đồng chủ trì Hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát triển lâm nghiệp bền vững là xu thế tất yếu

Phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh là mục tiêu lớn nhất của Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN&PTNT) ban hành theo Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/07/2013.

Để thực hiện mục tiêu này, cơ cấu các loại rừng và đất lâm nghiệp đã được định hướng sẽ có những thay đổi lớn trong những năm tới. Theo đó, đến năm 2020, ngoài diện tích rừng đặc dụng sẽ được củng cố, giữ nguyên diện tích (2.27 triệu ha), các diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất sẽ là đối tượng ưu tiên chuyển dịch nhằm đảm bảo quỹ đất phát triển sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cũng như cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương. Theo đó, 1.18 triệu ha rừng và đất rừng phòng hộ ít xung yếu sẽ được xem xét chuyển sang khai thác, sản xuất kết hợp phòng hộ theo Kế hoạch số 8418/KH-BNN-TCLN ngày 13 tháng 10 năm 2015; 2.2 triệu ha diện tích đất lâm nghiệp, chủ yếu là đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ, thuộc phạm vi quản lý của các nông, lâm trường quốc doanh cũng đã và đang được cơ cấu lại theo Nghị quyết 30-NQ/TW1 và Nghị định 118/2014/NĐ-CP2.

Đến cuối năm 2015, 293 công ty đã hoàn tất hồ sơ định hướng đổi mới, tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng; 753.000 ha sẽ được giữ lại với chức năng phòng hộ; một số diện tích khác sẽ được chuyển giao, sử dụng cho mục đích phát triển rừng; hoặc sẽ được chuyển cho các tổ chức kinh tế, cộng đồng, cá nhân khác để sử dụng vào mục đích sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế.

2.19 triệu ha (đất) rừng, hiện đang tạm giao cho các Uỷ ban nhân dân xã quản lý nhưng đang đối mặt với nguy cơ cao vì bị khai thác và chuyển đổi bất hợp pháp. Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài chính và kỹ thuật để chính quyền và người dân địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất rừng này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất phương án thay đổi cách phân loại rừng trong xây dựng dự thảo Luật Lâm nghiệp mới. Theo đó, từ cơ cấu 3 loại rừng hiện nay sẽ được tách – nhập thành 2 loại theo mục đích bao gồm: (1) - Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp ngày 12 tháng 03 năm 2014; (2)- Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp sử dụng chính là rừng bảo vệ và rừng kinh tế,  vừa để đảm bảo tập trung tối đa nguồn lực tài chính cho các diện tích rừng tốt, đa dạng sinh học cao cần bảo tồn, nhưng cũng sẽ đảm bảo bổ sung được nguồn quỹ đất cho sản xuất phát triển kinh tế lâm nghiệp từ rừng sản xuất.

Giải pháp sử dụng hiệu quả và bền vững đất lâm nghiệp

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)

Theo ông Phạm Văn Hạnh - Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), cần tiếp tục sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp lâm nghiệp theo hướng giảm một phần vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp; tăng cường nghiên cứu tạo giống mới có chất lượng, năng suất cao; rà soát, quy hoạch lại đất, nâng cao trách nhiệm, quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân khi được giao đất; có cơ chế tiếp cận vốn phù hợp với các đơn vị trong ngành lâm nghiệp…

Ông Hoàng Văn Chúc - Giám đốc công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) cho rằng, cần củng cố nguồn nhân lực qua mỗi lần tái cơ cấu để đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh; ưu tiên giao khoán cho người dân nghèo sống gần rừng, thiếu việc làm nhận khoán rừng để sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về quản lý bảo vệ đất, bảo vệ rừng… Trước mắt, cần thực hiện tốt việc lập phương án sử dụng quỹ đất lâm trường giao cho địa phương.

Liên quan tới nội dung tái cơ cấu ngành, ông Ngô Văn Hồng - Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển kiến nghị, chỉ có việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cộng đồng trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình và xã hội thì mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiến lược phát triển lâm nghiệp và Nghị quyết 30/NQ-TW mới có thể thực hiện tốt và đi vào cuộc sống.

Giám đốc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) Nguyễn Thành Chung đề xuất, quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện thể chế, chính sách bảo về và phát triển rừng, đồng thời cần phải có quy hoạch tổng thể cho ngành lầm nghiệp. Có thể xem xét đến gói tín dụng ưu đãi đặc biệt cho trồng rừng, tái tạo khôi phục và làm giàu, phát triển rừng để khuyến khích phục hồi các diện tích rừng. Đặc biệt, quan tâm cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng cũng như xem xét điều chỉnh cách phân loại rừng.../.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực