Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chủ động một phần thức ăn chăn nuôi

Thứ tư, 14/07/2021 15:57
(ĐCSVN) - Dự kiến giá thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ còn tăng trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi cho biết, Cục sẽ chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông nghiệp để chủ động một phần, đặc biệt là cho gia súc ăn cỏ và gia cầm.
leftcenterrightdel
 Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chủ động một phần cho thức ăn chăn nuôi (Ảnh minh họa: BT)

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc: ngô hạt tăng 35,1%, khô dầu đậu tương tăng 35,5%, cám mỳ tăng 32,8%,…

Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho thịt lợn từ 60kg đến xuất chuồng tăng 14,6%; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu tăng 14,4%; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng tăng 12,1%.

Dự báo, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong thời gian tới do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến, đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. Vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, dự kiến có hai lần tăng với tổng mức tăng khoảng 5%.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường của thế giới. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tự sản xuất được khoảng 40%, còn 60% phải nhập khẩu. Rất nhiều nguyên liệu mà Việt Nam không tự sản xuất được, ví dụ như DDGS (bã rượu khô). Chính vì vậy, về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chúng ta phụ thuộc rất chặt chẽ vào giá lên - xuống của thị trường thế giới.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, hiện nay, về thức ăn chăn nuôi, Việt Nam đang có thế mạnh ở phần cho gia súc ăn cỏ. Thực tế, tổng sản phẩm phụ phẩm của Việt Nam có khoảng 20 triệu tấn có nguồn gốc từ hữu cơ có thể chuyển sang làm thức ăn thô xanh, đồng thời, chúng ta có 43 triệu tấn rơm là nguồn nguyên liệu rất quý để chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Chinh cho rằng, để làm được điều này cần kèm theo các điều kiện kỹ thuật, ví dụ như: làm khô, ủ chua, sử dụng các chế phẩm vi sinh,…

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao thì các phụ phẩm này chính là nguồn rất quan trọng để thực hiện chuyển đổi chăn nuôi và giúp tăng lượng sản xuất đối với gia súc ăn cỏ.

Về vấn đề này, ông Chinh cho biết, Cục Chăn nuôi sẽ có hướng dẫn kỹ thuật để cùng với Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn cho bà con sử dụng các chế phẩm vi sinh, ủ chua để làm sao dự trữ được thức ăn cho đàn gia súc.

Cục Chăn nuôi cho biết thêm, trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ tăng cường các kênh theo sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, từ đó, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng đột biến về giá cả đối với các sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là cho gia súc ăn cỏ và gia cầm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực