Tác động kinh tế của TPP và vấn đề đặt ra

Thứ tư, 16/12/2015 15:58
(ĐCSVN) - Sau hơn 5 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được các bên thống nhất ngày 5/10/2015 và bản dự thảo lần cuối được công bố ngày 5/11/2015. Sự tham gia của Việt Nam vào TPP nằm trong nỗ lực hội nhập với nền kinh tế toàn cầu chung của Việt Nam và tiếp nối nỗ lực tự do hóa thương mại.

Một hiệp định được đánh giá là toàn diện

TPP bao gồm 12 thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các nước thành viên TPP có tổng GDP là 28 nghìn tỉ USD, tương đương 36% GDP toàn cầu, và chiếm trên 25% tổng thương mại toàn thế giới. Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên TPP. Hiện nay, các nước TPP chiếm 38,8% xuất khẩu, 22,2% nhập khẩu và 38,3% vốn FDI của Việt Nam. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia và Singapore nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngoài việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, dịch vụ và cắt giảm các biện pháp phi thuế quan, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cắt giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở tốt giúp thực hiện tái cơ cấu và cải cách thể chế tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: moit.gov.vn)

Nhiều ý kiến cho rằng, TPP sẽ tạo thêm cơ hội thương mại và đầu tư cho Việt Nam với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TPP được coi là một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, giúp tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ thông qua cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan. Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu các sản phẩm công nghiệp nhẹ và trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có cơ hội tiếp cận các nền kinh tế giàu có nhất trong TPP như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tiềm năng của TPP rất lớn nhưng chúng cũng đi kèm chi phí và rủi ro.

TPP là một hiệp định thương mại toàn diện và chi tiết, không chỉ đề cập vấn đề tiếp cận thị trường mà còn nhiều vấn đề rộng khác như mua sắm của chính phủ, chất lượng luật pháp, quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. TPP gồm 30 chương nói về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại. Tuy các cam kết chi tiết chỉ mới được công bố gần đây nhưng nhìn chung TPP quy định vấn đề thuế quan đối với hàng hóa, hải quan, thuận lợi hóa thương mại; các quy định về an toàn và kiểm dịch thực vật; rào cản kĩ thuật đối với thương mại; bồi thường thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm của chính phủ; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; và các chương đề cập các vấn đề như phát triển, năng lực cạnh tranh, và hòa nhập; giải quyết tranh chấp, ngoại lệ và các điều khoản về thể chế.

Ngoài việc cập nhật các hiệp định thương mại tự do trước đây, TPP còn đưa vào thêm nhiều vấn đề thương mại và các vấn đề liên ngành mới nảy sinh. Đó là các vấn đề liên quan đến internet và nền kinh tế kĩ thuật số, sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước vào thương mại quốc tế và đầu tư, khả năng khai thác lợi thế do hiệp định thương mại mang lại của các doanh nghiệp nhỏ, và các chủ đề khác. Do các vấn đề đề cập rất chuyên sâu nên hiệp định cũng đi kèm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước kém phát triển hơn trong TPP, và có thể có cơ chế chuyển tiếp đặc biệt cho phép các bên có thêm thời gian để xây dựng năng lực thực hiện các cam kết mới.

Tự do hóa thương mại vẫn là nội dung quan trọng trong tiếp cận thị trường trong TPP, đặc biệt là đối với Việt Nam. Mặc dù một số nước đã hạ thuế quan xuống dưới 10%, thậm chí dưới 5% nhưng một số thuế suất đỉnh vẫn tồn tại. Chẳng hạn, tại thị trường Hoa Kỳ, thuế quan đối với hàng may mặc vẫn nằm trong khoảng 10% - 32%, tùy từng loại hàng (nói chung các loại sản phẩm dệt thủ công chịu thuế suất cao hơn). Hàng nông sản vẫn chịu sự điều chỉnh của hệ thống hạn ngạch có thể làm cho thuế suất cao đối với một số loại như sản phẩm sữa, thịt, và gạo. Cuối cùng, Việt Nam còn kém phát triển hơn các nước khác trong TPP; thuế quan vẫn được dùng như một công cụ để bảo vệ các ngành non trẻ làm cho nhiều sắc thuế vẫn còn cao khoảng 10% - 20%.

Ngoài ra, TPP được đánh giá như là một hiệp định toàn diện, quy định cả những cam kết về cắt giảm các biện pháp phi thuế quan. Rào cản thương mại dịch vụ bao gồm cả các luật lệ, quy định, cấp phép và đăng kí, hoặc công khai cấm nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ từ nước họ hoặc thị trường của họ. Đối với buôn bán hàng hóa các biện pháp phi thuế quan cũng bao gồm các quy định về an toàn và kiểm dịch thực vật (SPS) và các rào cản kĩ thuật (TBT), như quy định về nhãn hàng đòi hỏi kiểm nghiệm hoặc các đặc tính kĩ thuật khác có thể được sử dụng làm rào cản thương mại.

Tác động kinh tế của TPP

TPP ước tính sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Trong số các nước tham gia TPP hiện nay Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được, cụ thể là ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và các ngành hiện nay đang chịu thuế suất cao như dệt may. Bằng việc tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại nói chung. TPP dự kiến cũng sẽ làm tăng thêm khối lượng FDI vốn đã cao vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu, kể các các nhà cung cấp cho các ngành hiện đang bị chi phối bởi quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, như dệt may.

Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới. Kết quả dự báo cho thấy hiệp định thương mại này sẽ làm tăng GDP thực tế của Việt Nam khoảng trên 8% (lũy kế) vào năm 2030. Phần đóng góp chính vào con số này chính là mức giảm thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu vào các nước trong khối, nhất là dệt may và phụ kiện. Thuế suất của Hoa Kỳ vẫn là 17% tính trên giá trị. Cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. Tiền lương trong một số nhóm ngành dự kiến cũng sẽ tăng trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tiền lương nhóm tay nghề thấp tăng nhanh nhất.

TPP cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu. Hầu hết các loại thuế quan và nhiều biện pháp phi thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm ngay lập tức; thuế quan và các chính sách hạn chế khác đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm dần. Tiếp cận thị trường, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại (tạo dựng thương mại) và chuyển hướng thương mại do hàng hóa Việt Nam sẽ dần dần thay thế một phần hàng hóa từ các nước ngoài khối xuất khẩu vào Hoa Kỳ, kể cả Trung Quốc. Đồng thời nhập khẩu cũng tăng vọt do đầu tư và cầu về hàng hóa trung gian tăng.

Mặt khác, TPP sẽ giúp tăng cường đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng chế tạo xuất khẩu. Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng sản phẩm chế tạo có giá trị cao hơn. TPP sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình này làm cho xuất khẩu thực tế tăng, nhất là sản phẩm chế tạo. Hiện nay tỉ trọng hàng chế tạo chiếm khoảng 58% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đến năm 2035 sẽ tăng thêm 30% nữa, trong khi tất cả các ngành khác như nông nghiệp, dầu khí, khai khoáng và dịch vụ đều giảm nhẹ.

Ngành dệt may, phụ kiện và da (bao gồm cả giày dép) dự kiến sẽ hưởng lợi rất nhiều và tăng mạnh xuất khẩu. Thuế suất các sản phẩm này tại các nước TPP thuộc hàng cao nhất, như Hoa Kỳ áp thuế 17,1% đối với sản phẩm từ Việt Nam, các nước châu Á tham gia TPP áp thuế 7,7% và các nước TPP khác áp mức 20,6%. Vì vậy, dự kiến xuất khẩu thực tế hàng dệt may và phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2035. Tỉ lệ sử dụng lao động cao và chính sách hướng xuất khẩu mạnh làm cho dệt may và phụ kiện trở thành nguồn tạo việc làm quan trọng. Hiệp hội dệt may và phụ kiện Việt Nam (VITAS) ước tính, cứ tăng thêm 1 tỉ USD xuất khẩu sẽ tạo thêm được 150 - 200 nghìn việc làm. Vì vậy, đây là ngành chiến lược về xuất khẩu và tạo việc làm. Nhưng quy tắc xuất xứ có thể sẽ hạn chế đáng kể những tác động tích cực này.

Xuất khẩu hàng hóa cơ bản và nguyên liệu dự kiến sẽ giảm. Dầu thô, khí đốt và sản phẩm khai khoáng hiện chiếm khoảng 16,5% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục giảm khi TPP có hiệu lực. Xuất khẩu nông sản chiếm khoảng 15,4% giá trị xuất khẩu năm 2015 cũng sẽ giảm do tỉ trọng xuất khẩu nguyên liệu chính (gạo, lương thực có hạt) giảm trong khi thực phẩm chế biến, sản phẩm lâm nghiệp (gỗ) sẽ tăng trong giai đoạn 2015-2025. Hiện tượng đó thể hiện sự dịch chuyển cơ cấu đang đẩy nhanh làm cho các yếu tố sản xuất được chuyển sang khu vực chế tạo nhiều hơn.

Tuy nhiên, TPP cũng sẽ làm cho Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn, thể hiện mức độ hội nhập ngày càng cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhập khẩu hàng chế tạo, chủ yếu là sản phẩm trung gian sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với nông sản (10% nhập khẩu năm 2015) và dịch vụ. Nhập khẩu hàng dệt may, phụ kiện, và đồ da (14,9% tổng kim ngạch nhập khẩu) sẽ đạt mức trên 50%. Sự gia tăng nhanh chóng nhập khẩu hàng dệt may, phụ kiện và da giày thể hiện mức độ tăng sản lượng và xuất khẩu các loại hàng hóa này vì chúng đòi hỏi nhập khẩu vật tư như vải, thuốc nhộm, cao su.

Quy tắc xuất xứ sẽ hạn chế sử dụng nguyên liệu từ các nước ngoài khối. Do các quy định ngặt nghèo như vậy nên Việt Nam sẽ phải nhập chủ yếu từ các nước trong khối. Nhập khẩu vải và phụ kiện từ các nước TPP thuộc châu Á và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lần lượt 151,3% và 203,7%.

Góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế

TPP dự kiến cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Sản lượng thực tế ngành công nghiệp chế tạo có thể tăng với mức 30%. Dịch vụ sẽ tăng khoảng 5%. Nông nghiệp, dầu khí, khai khoáng sẽ giảm nhẹ, nhưng do đầu tư tăng, chi phí vốn giảm nên sản lượng sẽ phục hồi đôi chút. Nếu nông nghiệp có giảm thì mức giảm sẽ xảy ra mạnh nhất trong những năm đầu sau khi TPP có hiệu lực và trước khi đầu tư và vốn phát huy tác dụng. Trong kì dài hạn, 2025-35, cải thiện về đầu tư và chi phí yếu tố sản xuất sẽ có tác dụng giảm nhẹ bớt mức sụt giảm sản lượng so với đường tăng trưởng cơ sở.

Thêm vào đó, TPP dự kiến sẽ kích thích đầu tư. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự đoán đầu tư sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2015 - 2025, đạt mức đỉnh vào khoảng 23%. Nhưng tác dụng kích thích này sẽ giảm dần trong giai đoạn sau, 2025 - 2035. Đầu tư tăng do tỉ suất lợi nhuận đầu tư tăng. Tỉ suất lợi nhuận đầu tư phụ thuộc vào chi phí vốn và lãi vay và hai yếu tố này bị ảnh hưởng mạnh bởi sự gia tăng xuất khẩu hàng chế tạo vào các nước TPP. Là thành viên TPP, Việt Nam dự kiến sẽ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài với chất lượng cao hơn nữa, nhất là các dự án FDI vào các cụm sản xuất thượng nguồn và được hưởng lợi nhiều từ TPP như dệt may, phụ kiện, da giày.

Có lẽ một điều quan trọng nữa là TPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong nước của Việt Nam. TPP không chỉ loại bỏ rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lí doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hóa thương mại dịch vụ kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông. Trong TPP có nhiều chương có các quy định khuyến khích cải cách thể chế nhằm tăng cường và chuẩn hóa các qui định, minh bạch, và hỗ trợ xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam. Thực hiện các cam kết này sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam do Việt Nam lựa chọn con đường cải cách từ từ, nhưng Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng có thể tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện.

TPP được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển một nền kinh tế cạnh tranh hơn và sáng tạo hơn. Về lâu dài, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu mới là vấn đề quan trọng mà thành phần xuất khẩu cũng quan trọng, nhất là tỉ trọng công nghệ trong hàng xuất khẩu. Trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt một số thành tích trên lĩnh vực này, chẳng hạn, trong khoảng 2008-2013 xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam đã tăng từ 5% lên 28%, tương đương với Trung Quốc và cao hơn mức trung bình các nước ASEAN. Nhưng tuy vậy mức bổ sung giá trị gia tăng của khu vực trong nước vẫn còn khá hạn chế. Khi TPP có hiệu lực các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng và quy mô lớn dự kiến sẽ được thu hút vào các ngành phụ trợ cho ngành dệt may, phụ kiện, da giày, và qua đó sẽ hình thành chuỗi cung ứng trong nước và kích thích các doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu góp phần làm tăng giá trị trong hàng xuất khẩu.

Do hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, và quy chế xuất xứ nghiêm ngặt của TPP nên trước mắt Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa cơ hội do TPP mang lại. Các nhà sản xuất dệt may Việt Nam sử dụng hầu hết xơ sợi nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Khoảng 60-90% vải được nhập khẩu từ các nền kinh tế khác, chủ yếu là từ Trung Quốc và Đài Loan. Do đó, một phần lớn lượng hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sẽ không đáp ứng được các qui định về xuất xứ của TPP. Ngành dệt may sẽ phải tái cơ cấu theo hướng liên kết ngược thì mới có thể tận dụng được tối đa lợi thế của TPP. Trước mắt, đây là một thách thức lớn, nhưng dự kiến Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI vào khu vực thượng nguồn để mở rộng năng lực sản xuất. Một số doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư mạnh vào ngành xơ sợi tại Việt Nam.

Quy tắc xuất xứ cũng tạo cơ hội cho Việt Nam thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp và phát triển mạnh hơn chuỗi giá trị trong nước. Quá trình tái cơ cấu ngành dệt may theo hướng liên kết ngược sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp nhỏ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước và tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu làm được như vậy sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn, học tập được nhiều hơn và tích tụ được nhiều tri thức hơn. Toàn bộ quá trình đó được hỗ trợ bởi sự gia tăng FDI. Khu vực kinh tế tư nhân đã phản ứng rất nhanh nhạy để tận dụng cơ hội do TPP mang lại, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư lớn vào ngành sợi Việt Nam. 

Tuy nhiên, đầu tư vào các ngành hỗ trợ, nhất là trong ngành dệt, phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường. Đầu tư vào ngành dệt may, nhất là công đoạn nhuộm và hoàn thiện vải có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường. Các ngành này không chỉ sử dụng rất nhiều nước mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, thải ra một khối lượng lớn nước thải và chất gây ô nhiễm. Do vậy, Việt Nam có nguy cơ sử dụng tăng vọt các hóa chất gây ô nhiễm. Để giảm nhẹ các tác động này Việt Nam cần có một loạt các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Vấn đề đặt ra

Thực hiện các cam kết TPP cũng đồng nghĩa với thực hiện một chương trình cải cách trong nước toàn diện và quyết liệt. Do vậy, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần chú ý đến các vấn đề nội bộ. Các cam kết sẽ ảnh hưởng tới vấn đề quản lí doanh nghiệp nhà nước, tăng cường minh bạch trong các chương trình mua sắm của nhà nước, nâng cao chất lượng và thực thi luật pháp, chính sách cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động và môi trường.

TPP cũng bao gồm một cam kết chung của các nước về tôn trọng quyền của người lao động được ghi trong Tuyên ngôn về nguyên tắc và quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam còn cam kết cụ thể hơn trong một hiệp ước phụ, Kế hoạch Tăng cường quan hệ công đoàn và công nhân Hoa Kỳ - Việt Nam. Nếu thực hiện đầy đủ các cam kết này sẽ đánh dấu một sự chuyển hướng mạnh trong cơ cấu công đoàn hiện nay mà theo đó toàn bộ các công đoàn đều nằm dưới sự quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việt Nam cũng đã cam kết cho phép tổ chức cơ sở của người lao động được thành lập các tổ chức lớn hơn giữa các doanh nghiệp trong vòng 5 năm kể từ ngày TPP có hiệu lực. Hiệp định TPP cũng dự liệu ILO sẽ hỗ trợ kĩ thuật trong quá trình thực hiện các cam kết này.

Mặc dù Việt Nam đã dần cải thiện khả năng cạch tranh nhưng tính kết nối vẫn còn nhiều thách thức. Đầu tư của Việt Nam vào hạ tầng đã nâng cao khả năng kết nối kinh tế. Chi phí thương mại của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển. Đặc biệt các chi phí này đã giảm đáng kể trong ngành chế biến, chế tạo. Hiện tại, Việt Nam được xếp hạng 48 trên 160 quốc gia theo Chỉ số Năng lực Logistics 2014 – thứ hạng cao nhất trong số các nước có mức thu nhập trung bình thấp (xếp trên cả Indonesia, Ấn độ, Philippin….). Thứ hạng này của Việt Nam cũng đã được cải thiện so với mức 53 của năm 2012. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp sau các đối thủ cạnh tranh có mức thu nhập cao hơn như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan.

Để phát huy tối đa các cơ hội của TPP, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh, kể cả đầu tư vào đường giao thông, ngành điện, bến cảng, dịch vụ kho vận và thủ tục hải quan trong quá trình thực hiện các cam kết. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong cải cách hải quan và cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN nhưng chi phí tuân thủ về thời gian, và chi phí đối với thủ tục tại biên giới và trong nội địa vẫn còn cao. Hầu hết chi phí tuân thủ liên quan đến các rào cản phi thuế quan hoặc các biện pháp thương mại phi thuế quan. Hiện nay có tới trên 200 thủ tục thương mại và giấy phép thương mại phi thuế quan đang có hiệu lực và được thực hiện thông qua rất nhiều văn bản luật phức tạp. Những giấy phép này do nhiều cơ quan nhà nước cấp và quản lí và hiếm khi nhất quán, trong khi đó thì các bên hữu quan cũng ít phối hợp với nhau. Đây là vấn đề cần sớm được giải quyết./.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực