Tận dụng cơ hội từ EVFTA thúc đẩy phát triển ngành logistics

Thứ năm, 22/09/2022 17:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Ngoài các cơ hội và tiềm năng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại, đòi hỏi các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có những giải pháp nâng cao năng lực, đồng thời giữ được vị trí lợi thế sân nhà trong quá trình thực thi EVFTA.
leftcenterrightdel
 Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA”

Đó là nội dung chính tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức được phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam ngày 22/09.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trong đó, dịch vụ logistics có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bên cạnh các cơ hội và tiềm năng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại. Sự chênh lệch về năng lực khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics của EU, vốn rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong đó hiện nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như các tập đoàn DHL Group, Kuehne + Nagel, DB Schenker của Đức, tập đoàn Maersk của Đan Mạch...

Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển dẫn đến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước. Hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế của EU. Đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, các mặt hàng truyền thống hay các mặt hàng mới cũng cần có sự bảo đảm tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển đặc biệt là nhóm hàng nông sản, mây tre đan, đồ gỗ là những mặt hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường. Đối với các mặt hàng có lộ trình dỡ bỏ thuế sau từ 5 - 10 năm, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển có thể muộn hơn nhưng vẫn cần có sự chuẩn bị về phương tiện, thiết bị, quy trình quy chuẩn để vận chuyển các mặt hàng này đáp ứng các cam kết trong Hiệp định EVFTA.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương: Chính sách tín dụng dành cho những doanh nghiệp tận dụng EVFTA chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam chưa chú ý đọc kỹ những nội dung cam kết mở cửa dịch vụ logistics; còn quá tập trung vào thị trường Việt Nam mà chưa để ý đến cơ hội tại khu vực EU. Mỗi doanh nghiệp logistics trong nước chưa thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ mà chỉ cung cấp được một số dịch vụ thế mạnh, gây ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, lối tư duy cạnh tranh, dìm giá cũng gây ra sự bất lợi cho chính các doanh nghiệp trong nước. 

Để ứng phó với những thách thức và tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA, ngành logistics Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa từ sự chủ động của doanh nghiệp cho đến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cần nắm rõ hơn nữa những cam kết mở cửa dịch vụ logistics để nhận diện được các nguy cơ mới trong cạnh tranh và thay đổi tư duy về ngành logistics, qua đó tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chính sách định hướng, hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan ban ngành địa phương sẽ được tăng cường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành logistics, trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và trong việc tận dụng những cơ hội từ hiệp định EVFTA nói riêng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group cho biết, EVFTA đã tạo rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam, đặc biệt là trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thì các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam rất nhiều và đây là cơ hội để cho các doanh nghiệp logistics phát triển.

“Tuy nhiên, để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài, những công ty lớn như là Maersk hay DHL thì cũng rất là khó. Bản thân chúng tôi cũng đi trước đón đầu, tạm thời là làm đại lý, hợp tác với các hãng lớn và làm thầu phụ lại cho họ, tuy nhiên cũng còn khó khăn”, ông Mai Trần Thuật cho hay.

Để hỗ trợ và thúc đẩy ngành logistics phát triển, ở góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã dành sự quan tâm rất là lớn để hỗ trợ cho dịch vụ này phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 200, trong đó có đề cập về kế hoạch hành động phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics đến năm 2025 và trên cơ sở đó, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những kế hoạch cụ thể để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và việc hỗ trợ cho doanh nghiệp logistics cũng là một yếu tố mà các cơ quan nhà nước hiện nay đang tích cực triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp  có thể tiếp cận được với trình độ quốc tế cũng như là có thể vươn ra được những thị trường ở bên ngoài…

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực