Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và WEF

Thứ năm, 28/10/2021 11:21
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công - tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.

Nhận lời mời của Chủ tịch điều hành và Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Giáo sư Klaus Schwab, ngày 29/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công - tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên tham dự các Hội nghị WEF Đa-vốt, cũng như các Hội nghị khu vực về Đông Á và ASEAN. Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức nhiều sự kiện kinh tế - đối ngoại lớn tại Việt Nam như Hội nghị WEF Đông Á (năm 2010), Hội nghị WEF Mê Công (năm 2016) và Hội nghị WEF ASEAN (năm 2018), được đánh giá là thành công nhất trong các hội nghị cấp khu vực của WEF.

Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công - tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo” 

Đối thoại lần này được kỳ vọng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trên cơ sở tận dụng thông tin, nguồn lực chuyên gia của WEF về các vấn đề WEF có thế mạnh, đặc biệt trong nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và CMCN 4.0, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, WEF thường xuyên hỗ trợ cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại chính sách với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao về các xu hướng phát triển, động lực tăng trưởng mới trên thế giới, phục vụ cho các báo cáo và nghiên cứu liên quan, giúp Bộ Ngoại giao tham mưu hiệu quả cho quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.

Tháng 8/2020, thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 22/5/2020), Bộ Thông tin Truyền thông (được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền) và WEF đã ký Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và WEF về thành lập Trung tâm CMCN 4.0 và liên kết trung tâm này với mạng lưới các trung tâm trên thế giới. Tháng 11/2020, Bộ TTTT và WEF đã thống nhất nội dung dự thảo Thỏa thuận nhưng vẫn chưa thống nhất các dự án cụ thể kèm theo.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện WEF đã ký kết Ý định thư liên quan đến xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung hỗ trợ Việt Nam triển khai Chương trình hợp tác đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam. Chương trình sẽ tập hợp, kết nối các chủ thể công, tư và cộng đồng nhằm tổng hợp, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý rác thải nhựa. Chương trình được khởi động vào ngày 23/12/2020 và đang tiếp tục triển khai.

Đến nay Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF. Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương tham gia Ban điều phối dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG).

WEF đang trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Việt Nam tham gia sáng kiến “Trung tâm thu hẹp khoảng cách đổi mới sáng tạo” nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Bộ GD&ĐT đang trao đổi với WEF về khả năng hợp tác triển khai mô hình thúc đẩy thu hẹp khoảng cách kỹ năng.

WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các đối tác thành viên của WEF phải nộp phí thành viên trong khoảng 60.000 Phơ-răng đến 600.000 Phơ-răng Thụy Sỹ tùy theo cấp độ khác nhau.

WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác giải pháp công nghệ hàng đầu.

Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực