Tăng cường liên kết giữa các đơn vị sản xuất và các nhà cung cấp

Chủ nhật, 21/11/2021 00:02
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh về việc cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị sản xuất và các nhà cung cấp thực phẩm với các khu, cụm công nghiệp – một trong những thế mạnh của đồng bằng sông Hồng để tăng năng suất và sản lượng nông sản tiêu thụ. Ngoài ra, cần tạo một hành lang nông sản an toàn và tiếp tục mở rộng thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế.

Sáng 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ XII với chủ đề “Kết nối tiêu thụ rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng”. Diễn đàn với mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước. Diễn đàn không chỉ nhằm kết nối giữa đầu sản xuất và phân phối tiêu thụ mà còn kỳ vọng tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm này.

 Điểm cầu tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Ảnh: HNV)

Diễn đàn diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng zoom với các điểm cầu tại: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế.

Vụ Đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Năm 2021, với diện tích khoảng 400 nghìn ha, sản lượng cây vụ Đông miền Bắc sẽ có sản lượng 4,6 triệu tấn.

Là địa phương chiếm 1/10 diện tích cây vụ Đông và chiếm hơn 1/8 sản lượng cây trồng vụ Đông với diện tích canh tác khoảng 21.000 ha, sản lượng trên 650.000 tấn, Hải Dương với đa dạng các sản phẩm như: Hành, tỏi, cà rốt, bắp cải, su hào, súp lơ, dưa hấu, dưa chuột, cà chua, bí xanh, củ đậu, khoai tây, ngô… Trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 30%; tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong nước chiếm 60% cây rau màu vụ Đông; xuất khẩu chiếm 10-15 %  cây vụ Đông.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương bày tỏ mong muốn kết nối với các doanh nghiệp phân phối, chế biến liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương với nhiều nơi khác trong cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, vụ Đông cũng là vụ sản xuất chính cho bà con nông dân với hơn 8000 ha cây vụ Đông, trong đó sản lượng ngô đạt hơn 6.000 tấn; lạc Đông 500 tấn; khoai lang 5.100 tấn, đặc biệt là bí xanh hơn 12.600 tấn; 80.000 tấn rau ăn lá các loại. Do đó, Ninh Bình mong muốn kết nối với các kênh phân phối tìm đầu ra cho bà con nông dân. Ngoài ra, Ninh Bình cũng mong muốn kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn như: gốm Bồ Bát, trà dược liệu, trà hoa vàng… Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khuyến nghị kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến thu hoạch và xuất đi cần phải được thực hiện tốt hơn nữa. Trong thời gian tới, mong muốn kết hợp với HTX, vùng trồng và bà con nông dân để bà con có thể nắm được xu hướng thị trường, hỗ trợ vận chuyển, bảo quản hàng hóa không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Sản phẩm rau củ quả đạt OCOP của TP Hà Nội (Ảnh: HNV)

Tại Diễn đàn, đại diện các Sở Nông nghiệp và Nông thôn các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc… cũng đã đưa ra những con số về sản lượng, chủng loại rau vụ Đông đặc trưng của địa phương mình đồng thời mong muốn kết nối, tìm đầu ra cho bà con nông dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đầu ra của nông sản nói chung và cây rau vụ Đông nói riêng có nhiều biến động, ảnh hưởng đến tiêu thụ của bà con.

Về phía các đơn vị thu mua, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít. Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, bà Hằng cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư vào sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua. Các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, doanh nghiệp sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, hiện 90% hàng Việt được kinh doanh tại hệ thống của Saigon Co.op, với gần 1.000 điểm bán. Riêng với mặt hàng rau củ quả thì hàng Việt chiếm toàn bộ kệ hàng của Saigon Co.op. Đó cũng là cơ hội để hàng Việt thắng thế trên thị trường nội địa. Hàng ngày, hệ thống tiêu thụ gần 500 tấn hàng nông sản, xu hướng này ngày càng tăng lên. Thay vì kênh tiêu dùng từ chợ truyền thống sang siêu thị ngày càng lớn, đây là cơ hội để hàng nông sản của chúng ta tiếp cận với người tiêu dùng.

Tại các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua nông sản vụ đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các HTX lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền.

Kỳ vọng hợp tác với các địa phương để đưa các sản phẩm khác vào hệ thống. Tuy nhiên, để đưa hàng vào hệ thống phân phối, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi; có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Saigon Co.op sẽ kết nối với các địa phương để xây dựng các điểm bán lẻ, xây dựng vùng nguyên liệu.

 Ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị sản xuất và cung ứng, phân phối nông sản (Ảnh: HNV)

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, sản phẩm OCOP và rau vụ Đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về việc tiêu thị sản phẩm.

Ông Trần Phương Minh, Giám đốc bộ phận XNK Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thagri cho biết: các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm… của các nước nhập khẩu, thậm chí là các thị trường khó tính như EU…Vì vậy, trong thời gian tới, với lợi thế về logistics và kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm nông sản, công ty rất mong muốn sẽ kết hợp với các HTX, vùng trồng của người dân, giúp người dân thấu hiểu xu hướng thị trường, thị hiếu thị trường, hỗ trợ vận chuyển, bảo quản để đưa sản phẩm tới những thị trường có địa lý xa hơn. Trên cơ sở đó, người dân sẽ có đầy đủ thông tin để định hướng sản xuất hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: vụ Đông là vụ đặc trưng và quan trọng nhất của đồng bằng sông Hồng. Chất lượng nông sản cây vụ Đông ngày càng nâng lên… Sản phẩm tươi, tiêu thụ trong một thời gian ngắn, do đó, đặt ra các vấn đề trong tiêu thụ và sơ chế, chế biến. Vì thế, cùng với việc ký kết các biên bản ghi nhớ sẽ giữa các doanh nghiệp phân phối và sản xuất sẽ giúp đầu ra được ổn định, dịp này, Thứ trưởng Nam đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình kết nối với các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo chứng nhận, chất lượng. Đồng thời tập hợp các HTX nông nghiệp có yêu cầu đưa sản phẩm vào siêu thị…

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh về việc cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị sản xuất và các nhà cung cấp thực phẩm với các khu, cụm công nghiệp – một trong những thế mạnh của đồng bằng sông Hồng để tăng năng suất và sản lượng nông sản tiêu thụ. Ngoài ra, cần tạo một hành lang nông sản an toàn và tiếp tục mở rộng thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực