Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 9 đạt hơn 17% so với cùng kỳ

Thứ sáu, 23/09/2022 16:52
(ĐCSVN) - Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P) 

Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo đó, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng. Tính đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ cho biết, tuỳ từng thời điểm NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, khác nhau. Hiện nay, các nước trên thế giới đẩy mạnh tăng lãi suất, áp lực lạm phát tại Việt Nam rất cao. Cách đây vài ngày, tăng trưởng tín dụng (room) tín dụng là vấn đề được dư luận trong và ngoài hệ thống ngân hàng rất quan tâm. Chính vì vậy, Thống đốc NHNN đã tổ chức hội nghị mời tất cả tổ chức tín dụng (TCTD) trong hệ thống tham gia trao đổi về vấn đề này. Sau cuộc họp, 100% các TCTD khẳng định biện pháp điều hành room tín dụng là rất khoa học nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững ổn định hệ thống và hỗ trợ cho các TCTD phát triển.

Định hướng trong tương lai, NHNN khẳng định điều hành room tín dụng rất linh hoạt. Nếu lạm phạm đạt mục tiêu, NHNN sẽ điều chỉnh room tín dụng. Nhưng trong năm nay, áp lực lạm phát rất lớn nên NHNN kiên định mục tiêu room tín dụng ở mức 14%.

Chia sẻ thêm về việc NHNN tăng các mức lãi suất điều hành từ ngày hôm nay, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, doanh nghiệp FDI xuất siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn. Do đó, việc để đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước, vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát.

Tuy nhiên, theo ông Quang, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính vì thế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để đảm bảo tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn.

“Đối với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta điều hành khá thành công, giữ được đồng tiền Việt Nam không quá mất giá. Nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Do đó, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Phạm Chí Quang phân tích.

Về định hướng giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông Phạm Chí Quang cho biết, NHNN đã kiên định, liên tục nhiều lần báo cáo Chính phủ, Quốc hội để giải trình những khó khăn trong điều hành lãi suất.

Theo ông Quang, thời điểm ban hành các Nghị quyết trên, điều kiện kinh tế toàn cầu và trong nước hoàn toàn khác bây giờ. Bởi thời điểm đó, Fed tuyên bố lạm phát Mỹ chỉ là tạm thời. Đến nay, Fed đã thừa nhận điều đó là hoàn toàn sai lầm, lạm phát cao không phải là tạm thời mà có tính dai dẳng. Chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương thế giới cũng thay đổi rất nhiều. Thêm vào đó, căng thẳng Nga – Ukraine dẫn đến giá dầu tăng đã đổ thêm "dầu vào lửa" vào trào lưu tăng lạm phát” – ông nói.

Ông Quang nhấn mạnh, tại Nghị quyết 43 có nêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay chứ không khẳng định sẽ giảm được. Để phấn đấu, NHNN đã phối hợp nhiều công cụ chính sách tiền tệ, như hỗ trợ thanh khoản, chia sẻ áp lực đối với lãi suất, tỷ giá, đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Theo Phó Thống đốc, những tháng cuối năm, nền kinh tế, tiền tệ thế giới vẫn còn bất định khiến điều hành chính sách tiền tệ trong nước thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chỉ đạo TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực