Tạo đột phá, phát huy nguồn lực phát triển Vùng Đông Bắc Bộ

Thứ tư, 22/06/2022 21:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh với giao thông phát triển đang tạo ra “tam giác vàng” phát triển về nhiều mặt tạo nên cực tăng trưởng rất năng động của cả nước.
Các diễn giả tham dự Diễn đàn (Ảnh: T.V) 

Ngày 22/6, tại Quảng Ninh, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức Diễn đàn kinh tế 2022 với chủ đề: “Tạo đột phá, phát huy nguồn lực phát triển Vùng Đông Bắc Bộ”. 

Các vùng kinh tế trọng điểm là những cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong giai đoạn 2011-2019, quy mô GRDP của 2 vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh với giao thông phát triển đang tạo ra “tam giác vàng” phát triển về nhiều mặt tạo nên cực tăng trưởng rất năng động của cả nước. 

Năm 2021, trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên, càng trong khó khăn, bản lĩnh vững vàng càng tỏ rõ, nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm và đặc biệt là tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh đã ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch, biến “nguy” thành “cơ”, phát huy tư duy phát triển đột phá, tận dụng tốt cơ hội tăng tốc phát triển. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...

Mới đây, ngày 21/04/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội..., xác định các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phải luôn đi đầu, giữ vai trò “hạt nhân phát triển” của nền kinh tế quốc gia. 

Trong đó, Hải Phòng mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc... Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 18/1/2022 về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của cả nước, trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với những lợi thế đã và đang có, đặc biệt là môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, Hải Phòng, Quảng Ninh đều có vị trí chiến lược và tiềm năng nổi bật về phát triển kinh tế biển và đã có những chuyển động tích cực nhằm đưa kinh tế cảng biển phát triển bứt phá hơn, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh và của vùng trong dài hạn. 

Tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, nhắc đến vai trò khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tôi muốn dùng hình ảnh khác, trong vùng kinh tế trọng điểm cần đảm bảo có vai trò của "đôi cánh" đột phá là Hải Phòng và Quảng Ninh. Cho đến nay Hải Phòng và Quảng Ninh đang là cái nôi cải cách của nền kinh tế và động lực của phát triển kinh tế của Việt Nam" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

"Hai nhà vô địch cải cách đang ở đây", điều này được ông Vũ Tiến Lộc nhắc đến đó chính là việc Hải Phòng và Quảng Ninh liên tục là quán quân trong cải cách và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, liên kết vùng còn đang là khâu yếu do nhiều nguyên nhân, do đó cần có giải pháp đột phá phát triển kinh tế vùng khu vực Đông Bắc Bộ, để các tỉnh có thể "nắm tay nhau" cùng phát triển.

PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng cũng nhận định đến nay vẫn chưa liên kết khu vực Đông Bắc. Theo PGS, TS.  Trần Đình Thiên, những vấn đề đặt ra hiện nay, nhất là việc không liên kết được giữa các vùng không chỉ là chuyện riêng của Hải Phòng - Quảng Ninh mà của các địa phương trên cả nước, nhưng khắc phục rất khó. Đó là do vị thế không rõ, kết nối các mạch về thể chế, hạ tầng… Trên thực tế, 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh đang mang trong mình nhiều sứ mệnh lớn lao, nhưng hiện nay vấn đề liên kết vùng trong khu vực vẫn còn làm “đau đầu” các nhà quản lý. 

TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất, nên tăng cường ban chỉ đạo hoặc hội đồng vùng; có thể thành lập hội đồng doanh nghiệp vùng để có cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào sự phát triển vùng bên cạnh các nhà đầu tư chiến lược, để có thể "nắm tay nhau", đưa ra các khuyến nghị chính sách, xây dựng các chiến lược để phát triển kinh tế vùng./.

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực