Tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp ICT

Thứ sáu, 23/10/2020 14:43
(ĐCSVN) - Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một trong những lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng phát triển nhất trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ.

Đại diện gần 100 doanh nghiệp hai nước Việt Nam , Ấn Độ tham dự Hội thảo.
(Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tại Hội thảo trực tuyến “Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam” diễn ra ngày 22/10. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ năm 2020 do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức.

Tham dự Hội thảo có: Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Anh Tú và đại diện lãnh đạo 100 doanh nghiệp ICT của Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, bên cạnh nông sản, dệt may và dược phẩm, ICT là một trong những lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng phát triển nhất trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ. Với lợi thế kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, nền kinh tế phát triển nhanh chóng, chính sách thuế ưu đãi và môi trường kinh doanh cạnh tranh, Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư của rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Đánh giá cao sự phát triển của ngành ICT tại Ấn Độ - nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon của châu Á, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, Ấn Độ đã rất thành công với nhiều tập đoàn công nghệ lớn, nhanh chóng áp dụng công nghệ số vào nền kinh tế với những nền tảng thanh toán điện tử như PayTM, UPI…Tuy nhiên, cho đến nay đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam còn khiêm tốn, chưa có những dự án đầu tư tiêu biểu mang tầm ảnh hưởng.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho biết, trong hơn 1 năm qua, Đại sứ quán đã nỗ lực thúc đẩy tập đoàn HCL của Ấn Độ đầu tư 650 triệu USD vào Việt Nam với mục tiêu đào tạo 10.000 nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao mỗi năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hoàng Anh Tú cho biết, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng tạo môi trường cạnh tranh tốt nhất cho các doanh nghiệp ICT và sẵn sàng hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain, an ninh mạng…Đây là thời điểm thích hợp đề đầu tư vào ICT tại Việt Nam vì Chính phủ mong muốn biến Việt Nam thành “quốc gia số”. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm mục tiêu vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Tại Hội thảo, đại diện các tập đoàn ICT hàng đầu của Ấn Độ như Mahindra, KPMG, WIPRO… và các doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực