Thanh Hoá tập trung nguồn lực cho các ngành hàng xuất khẩu có giá trị lớn

Thứ năm, 07/01/2010 14:53

Thanh Hoá đang tập trung nguồn lực cho các ngành hàng xuất khẩu có giá trị lớn và khả năng tăng trưởng cao để năm 2010 đạt mục tiêu tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu 355 đến 360 triệu USD, tăng trưởng trên dưới 23% so với năm 2009.

Theo đó Thanh Hoá khuyến khích các nhà đầu tư các ngành hàng Dệt may, Da giầy mở rộng và phát triển nhanh về các huyện thuần nông có nhiều lao động, trong đó công ty giầy SamJet (Nhật Bản), công ty may Tùng Phương triển khai xây dựng cơ sở sản xuất số II và III tại huyện Vĩnh Lộc; nhà máy may Hàn Quốc xây dựng tại huyện Đông Sơn; Tổng công ty May 10 xây dựng nhà máy tại huyện Thiệu Hoá... Hiện tại, Tổng Công ty Tiên Sơn đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy để cuối tháng 3/2010 đưa nhà máy May xuất khẩu Nga Sơn giai đoạn I đi vào sản xuất với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, thu hút 500 lao động và giai đoạn II sẽ hoàn thành vào năm 2015 với vốn đầu tư 28 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Trước đó, Tổng Công ty Tiên Sơn cũng đã hoàn thành xây dựng mở rộng giai đoạn II Xí nghiệp May xuất khẩu Sơn Hà tại thị xã Bỉm Sơn với số vốn đầu tư 53 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cũng vừa hoàn thành giai đoạn 1 Nhà máy may Sakurai Việt Nam tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa, thu hút 1.852 lao động. Tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, Nhà máy Giầy Sunjade Việt Nam được Công ty TNHH Giầy Sunjade (Nhật Bản) đầu tư mở rộng thêm 5 dây chuyền, nâng tổng số lên 12 dây chuyền gia công giầy xuất khẩu, thu hút 4.200 lao động với sản lượng gia công xuất khẩu đạt 400.000 đôi giầy/tháng trong năm 2010...

Ông Trần Gia Khương, Giám đốc sở Công Thương Thanh Hoá cho biết, trong năm 2010, các ngành hàng xuất khẩu có giá trị lớn như Dệt may, Da giầy sẽ tăng thêm từ 30 đến 35 triệu USD, nhóm hàng thuỷ hải sản tăng thêm 15 đến 20 triệu USD, nhóm hàng sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng thêm 25 đến 30 triệu USD so với năm 2009. Riêng 3 ngành hàng này thu hút thêm khoảng 6.000 đến 8.000 lao động có việc làm. Thanh Hoá đã có gần 50 mặt hàng xuất khẩu sang 40 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 90 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Thanh Hoá vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá cả không ổn định, thị trường thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Việc tổ chức sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Thanh Hoá chưa ổn định và không vững chắc, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ, vốn ít, sức cạnh tranh trên thị trường không cao... Khắc phục những khó khăn này, tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành hàng, nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn và khả năng tăng trưởng cao, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, từng bước cơ cấu lại mặt hàng theo hướng giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng gia công, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực