Thêm một chương trình truyền thông giáo dục tài chính mới

Thứ năm, 06/05/2021 19:35
(ĐCSVN0 - Ngày 6/5 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức buổi ra mắt Chương trình "Tay hòm chìa khóa" có thời lượng khoảng 5 phút, được phát sóng vào lúc 20h55, thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.
 Ra mắt Chương trình "Tay hòm chìa khóa" (Ảnh: M.P)

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Chương trình “Tay hòm chìa khóa” là một chương trình truyền thông giáo dục tài chính mới, đặc biệt được Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước và Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) phối hợp thực hiện. Chương trình sẽ hướng dẫn công chúng cách sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng, đặc biệt là thanh toán qua internet banking, mobile banking, thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, đưa ra những lưu ý khi sử dụng thẻ; hướng dẫn quy trình gửi tiết kiệm, vay vốn, tín dụng tiêu dùng, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức cho người dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen, tránh rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính.

Với hình thức sáng tạo, sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thông qua các câu chuyện giản dị về con người và cuộc sống, các thông tin tài chính ngân hàng sẽ được chương trình “Tay hòm chìa khóa” truyền tải một cách sinh động, hấp dẫn, đồng thời, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu cho toàn bộ công chúng nói chung. Đặc biệt, mỗi số của chương trình sẽ gửi gắm một bài học cuộc sống về tình yêu thương, lòng biết ơn cha mẹ, yêu thương gia đình, đề cao những giá trị nhân văn...được đúc kết thông qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ.

 Theo Ngân hàng Nhà nước, có 4 cái khó đặt ra cho hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là “khó tiếp thu - khó nhớ - khó áp dụng - khó lan tỏa”. Điều này xuất phát từ đặc thù của thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng thường mang tính học thuật, bên cạnh đó là sự hạn chế của hình thức truyền thông truyền thống thường thiếu tương tác và lan tỏa. Để hóa giải những khó khăn trên, truyền thông giáo dục tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm "dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa”, để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu các hình thức, xu hướng truyền thông mới, hiện đại và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan, các cơ quan truyền thông, báo chí, triển khai các chương trình giáo dục tài chính đa dạng thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội... hướng tới các nhóm đối tượng mục tiêu như người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, người thu nhập thấp, đối tượng phụ nữ, thanh niên, trẻ em, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ... nhằm góp phần tích cực trong việc hỗ trợ mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.

Để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội; và Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên qua đến hoạt động “tín dụng đen”, bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ số, thì truyền thông giáo dục tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như: gameshow “Tiền khéo, tiền khôn” (VTV3), chương trình truyền hình thực tế “Những đứa trẻ thông thái” (VTV1), chuyên mục “Đồng tiền thông thái” (VTV1), cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”.../.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực