Thiếu vắng một thị trường mua bán nợ thật sự

Thứ ba, 06/07/2021 18:37
(ĐCSVN) – Sự bùng phát của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 trên nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế của cả nước đã khiến doanh nghiệp bị gián đoạn dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỉ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao… khiến nợ xấu quay trở lại.
leftcenterrightdel
 

Nợ xấu tăng mạnh

Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, có thể nói hiện tại, các bảng cân đối tài chính của nhiều ngân hàng đã “đẹp” lên nhiều khi tỉ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%. Nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty Khai thác và Quản lý tài sản mà còn được chính các ngân hàng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối. Tuy nhiên, có điều đáng bàn là nợ xấu đang dần quay trở  lại ám ảnh ngân hàng và cả nền kinh tế.

Đơn cử, tại ACB, nợ xấu tăng tới 61%, lên 2.954 tỷ đồng, VPBank nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank nợ xấu hiện khoảng hơn 8.950 tỷ đồng. Vietcombank nợ xấu lên hơn 7.690 tỷ đồng. MB lên hơn 4.180 tỷ đồng...

Không chỉ nợ xấu ở các ngân hàng đang dềnh lên, mà ngay tại Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) việc xử lý nợ xấu, tốc độ thu nợ chậm. 

Theo Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng, nhiều khoản nợ xấu đã bán đấu giá thành công rồi, lẽ ra người mua bình thường có thể trả ngay, nhưng hiện nay cũng xin giãn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tài, đại diện ngân hàng SHB chia sẻ, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của ngân hàng. Và khó khăn hiện nay, không chỉ đến từ việc thu hồi nợ, mà các dòng tiền khác của khách hàng đều bị ảnh hưởng, làm giảm hoạt động của ngành ngân hàng. Khi dịch bệnh xảy ra, việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhiều đơn vị từ chối gặp gỡ trong bối cảnh dịch, hoặc phương thức trao đổi qua qua email, điện thoại cũng không hiệu quả.

Theo đại diện Công ty CP Chứng khoán BOS, trong báo cáo tài chính quý I/2021, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh. Cũng theo Công ty này, việc NHNN cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế, lợi nhuận có thể có nhưng rủi ro cũng tăng lên.

Theo ước tính của các chuyên gia tài chính, dư nợ được cơ cấu lại cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ước khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 30% nợ cơ cấu tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu. Như vậy, khả năng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng năm nay sẽ vào khoảng 2,5-3%.

 Và lộ trình chứng khoán hoá nợ xấu?

Theo thông báo từ VAMC, sàn giao dịch nợ VAMC được đăng ký hoạt động theo mô hình chi nhánh. Sàn này sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Theo lý giải của VAMC, sàn giao dịch này được thành lập nhằm giúp thị trường có thêm loại hình dịch vụ mới để xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao vai trò của VAMC thành trung tâm của thị trường mua bán nợ. VAMC đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động của sàn giao dịch nợ trong thời gian tới.

Lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2020, VAMC cùng các tổ chức tín dụng đã xử lý trên 290.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, tổ chức này thu hồi nợ đạt gần 167.000 tỷ đồng. Riêng năm nay, VAMC đã phối hợp với tổ chức tín dụng xử lý trên 46.000 tỷ đồng, thu hồi nợ từ trái phiếu đảm bảo trên 14.000 tỷ đồng.

Nghị quyết 42/2017/QH14 là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết bất cập, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC cho biết thực tế vẫn phát sinh nhiều vướng mắc khi xử lý nợ liên quan tới việc thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp tài sản đảm bảo tại Toà án, thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực... Ngoài ra, các ngân hàng cũng kiểm soát không để nợ xấu mới phát sinh, nên biện pháp bán nợ theo giá trị thị trường chưa được ưu tiên. Do đó, việc đàm phán với các ngân hàng không đạt được thoả thuận như ban đầu.

Thực tế cho thấy, nguy cơ nợ xấu tăng cao đã dần hiện hữu nhưng thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý cho thị trường chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế.

Theo nhận định của ông Đoàn Văn Thắng, giao dịch mua bán nợ ở nước ta vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng, còn ở các nước là giao dịch qua hình thức chứng khoán hóa.

Được biết Bộ Tài chính đang xây dựng đề án chứng khoán hoá các khoản nợ xấu nhưng quá chậm, và theo ông Thắng cần phải nhanh hơn nữa.

Theo tìm hiểu, chứng khoán hoá nợ xấu là các khoản nợ, trong đó có nợ xấu của các TCTD sẽ được đóng gói lại và phát hành thành một loại cổ phiếu, rồi đem bán trên thị trường chứng khoán. Do đó, giá trị của cổ phiếu đó sẽ được đảm bảo bằng chính những món nợ cùng tài sản đảm bảo đi kèm.

Vậy chứng khoán hoá nợ xấu liệu có dễ?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là công cụ tài chính được sử dụng rất hiệu quả trong xử lý nợ xấu ở nhiều quốc gia, do đó, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, như: Mỹ, châu Âu... để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm triển khai chứng khoán hóa nợ xấu càng sớm càng tốt.

Liên quan đến thị trường mua bán nợ của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thật sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (trong đó có chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ. Đây cũng là lý do làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này, khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn./.   

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực