“Thủ phủ” tôm hùm những ngày giáp Tết

Thứ hai, 08/02/2021 17:35
(ĐCSVN) – Chỉ còn vài ngày nữa là xuân Tân Sửu sẽ gõ cửa mọi nhà. Tại làng biển Phước Lý (phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) - một trong những “thủ phủ” tôm hùm của tỉnh Phú Yên, không khí đón Tết cũng bắt đầu nhộn nhịp dù nghề nuôi tôm hùm năm qua tại đây không mấy thuận lợi, thậm chí nhiều hộ còn bị thua lỗ.
 Ông Phạm Văn Xin cho biết, tôm ông nuôi đã hơn 16 tháng nhưng vẫn không lớn đủ kích cỡ để bán trong dịp tết này.

Từ trại nuôi tôm hùm vừa trở về, ông Phạm Văn Xin (61 tuổi) bắt tay ngay vào việc vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Ông cho biết, năm nay nhà ông và nhiều người ở làng biển Phước Lý của ông ăn tết không sung túc như mọi năm. Bởi nghề nuôi tôm hùm- nghề chính nuôi sống hơn 90% số hộ dân tại đây năm qua đã không mấy thuận lợi, còn bị thua lỗ, nhiều hộ phải nợ ngân hàng.

“Đầu năm dịch COVID-19 khiến tôm không bán được, các cấp chính quyền phải kêu gọi “giải cứu” tôm hùm cho bà con chúng tôi. Dù giá tôm xuống còn 200 ngàn đồng/1 kg tôm hùm xanh và 500 ngàn/1kg tôm hùm bông nhưng tôm vẫn không bán được. Sau dịch, giá tôm bắt đầu tăng trở lại thì cả làng biển này lại bị mưa bão, tôm bị sốc nước chết rất nhiều. Qua bão, giá tôm tăng ổn định từ 1,5 triệu đồng/1 kg tôm hùm xanh và 2,5 đến 3 triệu đồng/1 kg tôm hùm bông. Được giá và để có nguồn đầu tư gối vụ nên nhiều người đã bán hết tôm lớn; số tôm nhỏ còn lại chờ đến tết sẽ bán với hy vọng đủ để có một cái tết ấp áp và vui vẻ. Tuy nhiên, dù những ngày giáp tết nay, tôm có giá cao nhưng mọi nhà vẫn không có tôm để bán. Nguyên nhân là tôm không lớn, không đạt kích cỡ để thương lái thu mua”- ông Xin cho biết thêm.

Tiếp lời ông Xin, bà Năm - vợ ông Xin chia sẻ, lứa tôm hiện tại của vợ chồng ông bà thả 1.400 con giống, loại tôm hùm xanh. Đến nay dù đã hơn 16 tháng nuôi nhưng tôm không lớn, chỉ đạt từ 300 đến 400 gram/con. “Không những tôm không lớn mà tôm còn bị bệnh, chết nhiều khiến lượng tôm bị hao hụt, hiện chỉ còn khoảng 400 con. Trong khi đó, thương lái chỉ thu mua tôm thành phẩm nặng từ 500 gram/con trở lên. Vì thế, vợ chồng tôi lại phải tiếp tục tốn công chăm sóc và thức ăn để chờ tôm lớn mới bán được”- bà Năm buồn bã cho hay.

Cùng hoàn cảnh như vợ chồng ông Xin, ông Nguyễn Văn Kia (66 tuổi) cho biết, ông và con trai của mình vụ tôm hiện tại thả nuôi 1.000 con tôm giống (loại tôm hùm xanh), đến nay sau hơn 15 tháng nhưng tôm cũng mới chỉ nặng 300 gram/1 con. “Hiện tôm đang được giá nhưng chúng tôi không có tôm để bán do tôm không lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc năm nay chúng tôi không thể có cái tết như mọi năm”-ông Kia tiếc nuối.

 Do thua lỗ nên nhiều lồng nuôi tôm hùm ở Phước Lý hiện phải để bờ

Là người có kinh nghiệm nuôi tôm hùm hơn 20 năm qua, ông Trịnh Minh Cơ (61 tuổi), Tổ trưởng tổ nuôi trồng thủy sản tại làng biển Phước Lý cho rằng, trước đây số lượng lồng nuôi trên vịnh Xuân Đài không lớn nhưng vài năm trở lại đây, lượng lồng nuôi ngày một nhiều và không chỉ có lồng tôm, nhiều người còn nuôi hào, nuôi cá… nên đã làm hạn chế dòng chảy cũng như lượng thức ăn dư thừa còn sót lại lớn khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. “Đây là lý do khiến tôm bị bệnh chết và không lớn được”- ông Cơ khẳng định.

Cũng theo ông Cơ, tại làng biển Phước Lý của ông hiện có gần 140 hộ nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. Tuy nhiên, phần lớn các hộ nuôi vừa qua đều bị thất bại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lũ bão.

“Nếu như từ thời điểm tháng 2 đến tháng 6/2020, dịch COVID-19 đã khiến các cửa khẩu bị đóng, tôm không xuất được ra thị trường bên ngoài nên giá thành rất thấp, làm người nuôi bị thua lỗ nặng. Từ tháng 9/2020, giá tôm có tăng lên nhưng lại rơi vào thời điểm mưa lũ nên tôm nuôi của nhiều người bị sốc nước chết. Ngoài số tôm bị chết do sốc nước trong mưa lũ, gần đây tôm liên tục bị bệnh và không lớn. Dù hiện tại tôm hùm tăng giá nhưng nhiều hộ không có tôm để bán hoặc nếu có thì còn rất ít”- ông Trịnh Minh Cơ thông tin.

Theo thống kê sơ bộ của Tổ nuôi trồng thủy sản làng biển Phước Lý, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 và mưa bão gây ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm hùm,  hiện tại làng biển này có khoảng trên 60% số hộ nuôi tôm hùm bị thua lỗ, thậm chí có nhiều hộ nợ ngân hàng nhưng chưa có cách để trả nợ.

 Mặc dù giá tôm hiện tại đạt từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/kg với tôm hùm xanh và từ 2,5 - 3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông nhưng người nuôi vẫn không có tôm hùm để bán

Trước tình hình trên, ông Cao Văn Tân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Xuân Yên xác nhận, số hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm hùm năm nay bị thua lỗ, nhiều hộ đã nợ ngân hàng.

“Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi đang kiến nghị thị xã Sông Cầu và ngành ngân hàng có giải pháp khoanh nợ hoặc giãn nợ cho các hộ nuôi tôm bị thua lỗ. Trước mắt, phường đang huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nuôi tôm gặp khó khăn có điều kiện để đón tết, vui xuân, không để hộ nào ở lại phía sau. Về lâu dài, Phường sẽ phối hợp với thị xã Sông Cầu và ngành chức năng triển khai các giải pháp chống ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi tôm hùm, đồng thời giãn giảm số lượng lồng nuôi trên một diện tích nuôi phù hợp; khuyến khích người nuôi không ồ ạt nuôi tôm hùm mà nên nuôi nhiều đối tượng thủy sản khác có giá trị. Đặc biệt, địa phương sẽ phân chia và giao mặt nước cho các tổ nuôi trồng thủy sản quản lý để sắp xếp lại ngành nghề nuôi tôm hùm hiệu quả, đảm bảo chất lượng theo quy hoạch, cho phép của ngành Thủy sản thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên đưa ra” - ông Cao Văn Tân cho hay.

Chia tay làng biển Phước Lý - một trong những địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên đúng vào những ngày mà tết Tân Sửu đang đến gần, chúng tôi cảm nhận được, dù nhiều người dân ở đây cũng đang tất bật cho Tết, song có lẽ với người nuôi tôm hùm, Tết năm nay sẽ không lớn và vui tươi hơn những năm trước./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực