Thừa Thiên - Huế phải bám sát tinh thần “xanh và bền vững”

Chủ nhật, 18/08/2019 00:50
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nội dung trên tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên – Huế, chiều ngày 17/8.

Cùng tham dự buổi làm việc có: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019; tình hình thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến 2020, Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, đánh giá, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sau 10 năm thực hiện, đô thị Thừa Thiên - Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của tỉnh cũng như chủ trương của Đảng được thể hiện trong Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố Xanh quốc gia ”, “thành phố văn hỏa ASEAN”, “thành phố bền vững môi trường ASEAN”. Đây là sự ghi nhận đáng trân trọng của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế đối với sự nỗ lực, phấn đấu của Thừa Thiên - Huế.

Tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững và đạt kết quả rất khả quan, điều đó cho thấy cảnh quan môi trường không bị phá vỡ, hướng tới đô thị di sản văn hóa. 

Đánh giá tốc độ tăng trưởng của Thừa Thiên - Huế là khả quan, gần đây đạt 7,2%/năm, riêng 6 tháng năm 2019 cao hơn trung bình cả nước (đạt 6,87%), thu ngân sách có chuyển biến tích cực và luôn vượt dự toán được giao. 

Quy mô kinh tế nhỏ, thu ngân sách chưa cao, tuy nhiên do dịch vụ du lịch phát triển (6 tháng đầu năm tăng 6,37% với tổng lượt khách đến đạt 2,49 triệu lượt khách) đã góp phần làm cho thu nhập thực tế của người dân đạt khá (chỉ đứng sau thành phố Đà Nẵng, hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận). 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi  làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: TTXVN.



Công tác bảo đảm an sinh xã hội của Thừa Thiên - Huế được đẩy mạnh, chỉ số chênh lệch giàu nghèo của tỉnh đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 8/63 tỉnh thành phố cả nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng với quy mô kinh tế nhỏ, thu ngân sách 7 tháng năm 2019 đạt 4.193 tỷ đồng, bằng 58% dự toán nhưng Thừa Thiên - Huế đã chăm lo tốt công tác an sinh xã hội. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt tới 98%. Cho rằng nếu Thừa Thiên - Huế nâng được con số lên cao hơn so với trên 68% dân số được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ là điểm sáng về an sinh xã hội, chăm sóc đời sống nhân dân. 

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận phong trào bảo vệ môi trường tại Thừa Thiên - Huế được thực hiện tốt. Phong trào “Chủ Nhật Xanh”, “Nói không với túi ni-lon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” được nhân dân tích cực hưởng ứng, việc các đội tình nguyện vớt rác trên sông Hương được thực hiện đều đặn thời gian qua đã góp phần giữ gìn chất lượng nguồn nước con sông. 

Tỉnh đã bắt đầu thiết lập vận hành mối liên kết vùng trọng điểm miền Trung kết nối hạ tầng giao thông, các hành lang kinh tế Đông Tây, kinh tế biển, du lịch; phát huy 4 trung tâm rất hiệu quả về văn hóa-du lịch-y tế chuyên sâu-khoa học-công nghệ và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.

Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế đoạt giải thưởng Viễn thông châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á. Cùng với đó, quốc phòng-an ninh được giữ vững, an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt nội bộ tỉnh đoàn kết, sự đồng thuận xã hội đạt cao. Công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đảm bảo đúng tiến độ và hướng dẫn của Trung ương.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công tác bảo tồn di sản thời gian qua; việc thực hiện những mục tiêu cơ bản để đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 nêu trên; một số dự án còn chậm, cơ cấu nguồn thu còn chưa bền vững; là tỉnh có truyền thống văn hiến, chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng tiềm năng… Những điều đó ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Cùng với đó, liên kết vùng còn mang tính hình thức, chưa hỗ trợ thúc đẩy cùng nhau phát triển. Hạ tầng du lịch thiếu tính đồng bộ, hình thành liên kết thành tua, tuyến du lịch quốc gia, quốc tế còn chưa chặt chẽ…Công tác bảo tồn di tích, di dời hộ dân lấn chiếm di tích đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do kinh phí.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh quan tâm, chỉ đạo, xử lý nghiêm vấn đề khai thác cát lậu để bảo vệ, giữ gìn vẻ đẹp của sông Hương không chỉ của Thừa Thiên - Huế, mà còn của cả nước.

*Tăng trưởng kinh tế phải bám sát tinh thần “xanh và bền vững”

Cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh cho thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên - Huế tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, của Đảng bộ tỉnh để tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; trong đó lãnh đạo tỉnh, các đồng chí cấp ủy Đảng, chính quyền phải thực sự nêu gương, tạo sự đồng tâm nhất trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; năng động, đoàn kết, không ngừng thi đua, sáng tạo, quy tụ được cộng đồng doanh nghiệp, động viện nhân dân vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tổng kết ngay 10 năm thực hiện Kết luận 48/KL-TW và làm các thủ tục để Bộ Chính trị nghiên cứu ban hành nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu tổng kết này được làm trong năm 2019 sẽ là định hướng lớn để xây dựng nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thừa Thiên - Huế nên có những đột phá chiến lực về phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của Thừa Thiên - Huế phải bám sát với tinh thần “xanh và bền vững”.

Tỉnh cần tăng cường giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như những dự án trọng điểm; có những giải pháp nâng cao tính bền vững của nguồn thu nội địa.

Nhấn mạnh sự quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc và những nét văn hóa rất riêng của Huế. 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm các hộ dân thuộc dự án di dời dân ở phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.


Tỉnh cần chú trọng công tác bảo vệ rừng, không để cháy, nhất là Vườn quốc gia Bạch Mã. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển du lịch, tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường hiệu quả các kỳ Festival Huế, quảng bá văn hóa Huế, nhất là nhã nhạc cung đình, quần thể di tích Cố đô, mộc bản Triều Nguyễn, châu bản Triều Nguyễn, hệ thống thơ văn, kiến trúc Cung đình Huế, vịnh Lăng Cô, sông Hương… 

Nhấn mạnh tỉnh tiếp tục triển khai tích cực và đồng bộ công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc gia đình chính sách, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thừa Thiên - Huế cần nâng cao chất lượng đào tạo và phát huy tối đa vai trò của Đại học Huế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước.

Cùng với đó, Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục củng cố tăng cường quốc phòng - an ninh; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân. Tỉnh cần quán triệt tốt phương châm xây dựng Đảng là then chốt, coi trọng công tác Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao cho Văn phòng Quốc hội tổng hợp, gửi các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết.

Về kiến nghị xem xét, có cơ chế, chính sách riêng để công nhận Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, riêng nội dung “đô thị di sản đặc thù”, trong Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị chưa quy định. Tỉnh cần làm báo cáo hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Thừa Thiên - Huế đang lập đề án mở rộng ranh giới thành phố Huế theo hướng hình thành đô thị trung tâm với trục cảnh quan dọc theo sông Hương nhằm có đủ không gian, diện tích để phát triển đô thị theo hướng di sản, văn hóa, cảnh quan và thân thiện môi trường. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với chủ trương của tỉnh và đề nghị lãnh đạo tỉnh khẩn trương hoàn thành hồ sơ, đề án báo cáo Chính phủ thẩm định, sau đó trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đề án di dân đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và thống nhất một số cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện. Theo Chủ tịch Quốc hội, trước mắt Ủy ban Tài chính-Ngân sách có ý kiến đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng. Phần kinh phí còn lại xem xét Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Di sản, nếu thấy vượt thẩm quyền của Chính phủ thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, nếu vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội xem xét, quyết định để trong nhiệm kỳ này cố gắng thực hiện công tác di dời. Trong nhiệm kỳ 5 năm sau đó cố gắng thực hiện công tác trùng tu các hạng mục theo thứ tự ưu tiên.

*Chiều cùng ngày, tại thành phố Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã đi thăm, tặng quà và lắng nghe ý kiến một số hộ dân khu vực Thượng Thành dự kiến di dời. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con; khẳng định Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đang nỗ lực chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ cho công tác di dời. Một số hộ dân Tổ 14 phường Thuận Lộc, thành phố Huế bày tỏ mong muốn sớm được di dời để ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy công tác trùng tu, bảo tồn di tích. 

Được biết, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế di dời hơn 4.200 hộ dân, bao gồm 2 giai đoạn, gồm: di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi di tích Kinh Thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ; di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi các di tích Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trân Bình Đài./.

 

 

 

Hoàng Thị Hoa/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực