Thừa Thiên - Huế thu hút 88 dự án đầu tư nước ngoài

Thứ ba, 19/07/2016 17:21
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã thu hút được 88 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,26 tỷ USD; trong đó, vốn thực hiện đến nay hơn 849 triệu USD, chiếm 32,4% tổng số vốn đã đăng ký. Thừa Thiên - Huế hiện đứng thứ 25 toàn quốc và thứ 6/13 tỉnh của miền Trung - Tây Nguyên về thu hút đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

 

Để thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên - Huế không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu và triển khai dự án. Hiện đã có các nhà đầu tư lớn của nước ngoài hoạt động có hiệu quả tại Thừa Thiên-Huế như Tập đoàn Banyan Tree (Singapore), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty CP (Thái Lan)...

Điển hình là Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư 850 triệu USD, thực hiện hơn 500 triệu USD do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng.

Cảng biển Chân Mây cũng được Hãng tàu Royal Caribbean lựa chọn để hợp tác đầu tư 5 triệu USD, nâng cấp cầu cảng bến số 1 để đón tàu Quantum of the Seas và Oasis of the Seas - tàu du lịch lớn nhất thế giới. Các hạng mục hợp tác đã hoàn thành gồm nâng cấp chiều dài bến từ 300m lên 360m; bổ sung trụ neo và cầu; nạo vét mở rộng khu nước trước bến và nạo vét vũng quay trở tàu với đường kính từ 400m lên 570m, lắp bổ sung đệm tựa thân tàu mới. Hiện tại, bến số 1 cảng Chân Mây tiếp nhận được tàu du lịch có trọng tải lớn, hạng Quantum dung tích toàn phần 158.000 GT và hạng Oasis dài 360m, dung tích toàn phần 225.282 GT cập bến.

Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2007, Thừa Thiên - Huế bắt đầu đón những lượt khách du lịch tàu biển đầu tiên qua cảng nước sâu Chân Mây thì năm 2015 là năm tỉnh có lượng khách đường biển nhiều nhất từ trước đến nay, với trên 75.000 lượt khách. Dự kiến năm 2016, riêng số lượng tàu du lịch cập cảng Chân Mây là 46 lượt, đưa tổng số gần 150.000 lượt hành khách và thuyền viên đến tham quan Cố đô Huế.

Thời gian tới, ngoài việc đầu tư cho hệ thống di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục kêu gọi đầu tư vào việc phát triển vịnh biển Lăng Cô - Chân Mây, một trong 10 vịnh biển được bình chọn đẹp nhất thế giới. Theo ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện Khu du lịch Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chú trọng việc quy hoạch phát triển để Lăng Cô trở thành đô thị phát triển dịch vụ du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư chiến lược như Bitexco, Vingroup, Bayan Tree... đầu tư vào địa bàn; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư; ban hành danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư trên các lĩnh vực của giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh cũng xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư; đồng thời ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng các khu vực đang phát triển, các dự án lớn hoặc chuỗi dự án, có các sản phẩm cạnh tranh như: Khu công nghiệp phụ trợ dệt may, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã. Đối với các thủ tục đầu tư, tỉnh thực hiện giao dịch "một cửa" và "một cửa liên thông", kịp thời giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đất đai phục vụ tối đa nhu cầu các nhà đầu tư trên địa bàn.../.

 

Quốc Việt/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực