Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả

Thứ năm, 13/01/2022 16:20
(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã,… mới có thể đảm bảo gia tăng giá trị cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa các sản phẩm vào các nhà máy chế biến.

Sáng 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 20 theo hình thức trực tuyến với chủ đề Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả.

Diễn đàn trực tuyến Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả (Ảnh: B.T)

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý I hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến. Riêng Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.

Về cây ăn quả, thanh long là cây cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Sau đó là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn). So với khu vực phía Bắc, lợi thế của phía Nam là cho cây ăn quả, rau quanh năm.

Về cơ cấu, sản lượng cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam. Nhưng khu vực này còn ít cơ sở chế biến, và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

Cũng theo ông Tùng, trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Ông Tùng cũng nhận định, sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ. Do đó, để giải quyết việc tiêu thụ một cách căn cơ, cần có phương án quy hoạch theo tiểu vùng. Ví dụ về cây mít, theo ông Tùng, đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng chiếm khoảng 80%. Do đó, những tiểu vùng khác có thể chuyển cây trồng khác, thay vì tập trung vào mít.

Ông Tùng cho rằng, để đảm bảo cho việc tiêu thụ, bên cạnh các vấn đề liên quan tới kiểm dịch thực vật, cũng như an toàn thực phẩm, người sản xuất phải nắm chắc yêu cầu của doanh nghiệp liên kết, cũng như thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn. Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%.

Theo thống kê của Cục, trong 3-4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ năm 2018-2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ chế biến còn thấp. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đây là một bước tiến. Ông Toản cho rằng, tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa.

Ông Toản cũng nhấn mạnh, vai trò chủ lực để giải quyết vấn đề chế biến nằm ở các doanh nghiệp, hiệp hội. Về phía người sản xuất, điểm mấu chốt nằm ở việc nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả tươi, mà chưa tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Bên cạnh đó, hiện nay các nhà máy chế biến rất cần và thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đó là việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất về lâu dài, bền chặt, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã,… mới có thể đảm bảo gia tăng giá trị cho các sản phẩm. Bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm của mình vào các nhà máy chế biến.

Để làm được điều này, Thứ trưởng cho rằng, việc làm đầu tiên là phải chuyển về mặt tư duy nhận thức trong chế biến các mặt hàng nông lâm sản. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào xuất khẩu thô mà quan tâm nhiều hơn đến việc đưa các sản phẩm vào chuỗi liên kết chế biến. Bên cạnh đó, về phía Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu để ban hành những chính sách phù hợp, giúp công tác tiêu thụ thuận lợi nhất./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực