Thúc đẩy thế hệ doanh nhân sáng tạo

Thứ bảy, 26/12/2015 19:09
(ĐCSVN) - Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp 2015 khép lại một mùa khởi nghiệp thành công nhưng quan trọng hơn đã mở ra cơ hội cho nhiều dự án, nhiều ý tưởng được hiện thực hoá, đồng thời khích lệ lan toả tinh thần nghiệp chủ, phát huy sức sáng tạo trong thanh niên, sinh viên cả nước.

Đại diện các đội được vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp 2015 

Năm nay, các dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp 2015 được các chuyên gia, doanh nhân trong hội đồng giám khảo đánh giá có chất lượng, tính khả thi và mang ý nghĩa xã hội cao hơn.

Nhiều điểm mới

Điểm mới là các tác giả ở các trường khác nhau đã mở rộng hợp tác liên kết cùng viết dự án để phát huy thế mạnh của từng người ở những chuyên ngành đang theo học nhằm nâng cao chất lượng dự án. Chẳng hạn, nhóm tác giả của Đại học Ngoại thương cùng Học viện Nông nghiệp như Dự án Khôi phục và phát triển dòng gốm cổ Luy Lâu; Dự án Lovie – tình yêu thương hiệu Việt có sự kết hợp của Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Sao Đỏ; Dự án mô hình du lịch thiện nguyện – Responsible Travel của nhóm du học sinh Việt Nam tại 3 trường đại học – học viện của nước Anh…

Sau thời gian làm việc công tâm và đầy nhiệt huyết của Hội đồng giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp 2015 và qua 4 vòng chấm, Ban tổ chức đã chọn và công bố danh sách 10 dự án có số điểm cao nhất lọt vào vòng chung kết. Điểm mới trong Chung kết Cuộc thi năm nay là Hội đồng Thẩm định sẽ không xếp hạng cụ thể các dự án kinh doanh. Ngay sau buổi thi, Ban Tổ chức sẽ chỉ công bố TOP 3 dự án kinh doanh có số điểm cao nhất. Ba dự án này sẽ tiếp tục tranh tài tại FESTIVAL Khởi nghiệp 2016 để tìm ra thứ hạng nhất, nhì.

Theo thống kê của Ban tổ chức, Cuộc thi Khởi nghiệp đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhiều bạn trẻ từ các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp trên cả nước. Số lượng các dự án gửi tham dự cuộc thi Khởi nghiệp 2015 tăng mạnh so với cuộc thi năm 2014. Nếu như năm trước chỉ có 108 dự án tham gia với 346 tác giả thì số dự án tham dự cuộc thi Khởi nghiệp 2015 là 412 dự án của 981 thí sinh ở khắp các vùng miền tham dự.

Chương trình Khởi nghiệp đã triển khai các hoạt sâu rộng trên toàn quốc về đào tạo Khởi sự kinh doanh, Chương trình đã tổ chức được 14 lớp đào tạo, đã thực hiện nhiều cuộc giao lưu và phát động trên cả khu vực Bắc Bộ, Duyên hải phía Bắc, Đông Nam Bộ, Hà Nội, TP HCM…

Đặc biệt, sau 3 năm thành lập Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp gồm các thành viên trong hội đồng là giảng viên, diễn giả và doanh nghiệp, Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp đã có nhiều hoạt động nâng cao vai trò của mình nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, hỗ trợ nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy của các giảng viên, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển chương trình Khởi nghiệp tại Việt Nam; Đào tạo các kỹ năng khởi sự kinh doanh cho thanh niên – sinh viên; tư vấn cho các tác giả viết dự án tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp, Hỗ trợ các ý tưởng khả thi thành những dự án áp dụng vào thực tiễn; Xúc tiến các hoạt động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư cho các dự án khả thi.

Một điểm mới nữa, từ năm 2014, Ban tổ chức đã có những đổi mới trong việc tiếp nhận bài dự thi cũng như chuyển giao format cuộc thi Khởi nghiệp cho một số trường đại học và học viện (Học viện Nông nghiệp), tỉnh thành. Bởi vậy, số lượng các trường tổ chức các cuộc thi Khởi nghiệp đã tăng lên như Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Đại Nam. Cuộc thi Khởi nghiệp khu vực phía Nam do Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi nhằm tuyển chọn và tư vấn cho các dự án của khu vực trước khi gửi ra cho Ban tổ chức.

Nghiệp chủ sáng tạo

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp: “Trong tương quan so sánh khu vực và thế giới, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam còn mỏng, chất lượng doanh nghiệp chưa cao. Cho nên, một trong những nhiệm vụ cấp thiết là phải có những chính sách hỗ trợ để ngày càng có nhiều DN được thành lập đồng thời nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Định hướng quan trọng là phải quan tâm đội ngũ thanh niên – sinh viên ở các trường đại học cao đẳng, khuyến khích lực lượng này lập nghiệp trở thành những doanh nhân, những chiến sĩ thời bình, trở thành những chủ nhân thực sự của nền kinh tế nước nhà. Với mục tiêu cổ vũ cho sự lựa chọn con đường lập nghiệp của thanh niên – sinh viên, sự ra đời Chương trình Khởi nghiệp cùng hoạt động của một số dự án của VCCI như đào tạo khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, VCCI đã thực sự làm bà đỡ cho các doanh doanh nhân trẻ tại Việt Nam. Việc triển khai chương trình trong những năm tới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển độ ngũ doanh nhân đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, chúng tôi luôn nỗ lực cổ vũ tinh thần nghiệp chủ và hỗ trợ lượng lượng trẻ sáng tạo”.

Cũng theo TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI, trong thời gian tới, VCCI sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực như đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, giới thiệu cho thanh niên, sinh viên khởi nghiệp các chương trình, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Chẳng hạn như dịch vụ về không gian làm việc chung phù hợp với các bạn sinh viên mới khởi nghiệp; Phổ biến kiến thức kinh doanh, sơ đẳng nhất về hoạt động kinh doanh để thanh niên, sinh viên có khái nhiệm cơ bản về công việc, hình dung các vấn đề, những khó khan phải chuẩn bị. Về lâu dài, chúng tôi sẽ mở rộng chương trình Khởi nghiệp thành chương trình quốc gia có tính tổng thể mang lại hỗ trợ nhiều hơn, thiết thực hơn cho sinh viên, thanh niên có ý tưởng kinh doanh.

Không thể phủ nhận, Cuộc thi khởi nghiệp năm nay rất nhiều đề án có ý tưởng tốt. Điểm mạnh là các ý tưởng kinh doanh sát với nhu cầu của thị trường với nhu cầu phát triển của xã hội. Các xu hướng về công nghệ thông tin, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tương được thể hiện nhiều qua các dự án. Bên cạnh đó, điểm yếu chung là các dự án chưa thực sự kỹ lưỡng và chi tiết trong lập kế hoạch triển khai ý tưởng kinh doanh. Nhưng với sự đam mê, khả năng nắm bắt nhanh nhạy và với sức sáng tạo, hầu hết Ban giám khảo đều tin các bạn trẻ sẽ có nhưng điều chỉnh phù hợp với thực tế để thành công.

 

 Chương trình Khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng và chủ trì từ năm 2003, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thường trực tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Bộ Lao Động – Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng các địa phương trên toàn quốc để cùng triển khai các hoạt động giao lưu, đào tạo giúp các bạn trẻ có thể học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và tìm ra con đường lập nghiệp cho riêng mình. Chương trình hướng đến mục tiêu nhằm tăng cường khả năng hiện thực hóa dự án kinh doanh thông qua phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo, tư vấn, đầu tư… góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kỹ năng và tinh thần dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực