Thực hiện nghiêm lộ trình tăng giá

Thứ sáu, 12/03/2010 09:14
Hai tháng đầu năm 2010, các ngành chức năng liên tục thực hiện điều chỉnh tỷ giá, tăng giá xăng, giá điện... khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước tăng cao. Ðã có những ý kiến đánh giá khác nhau xoay quanh việc tăng giá vừa qua, trong đó có ý kiến cho rằng tăng giá đang dẫn lạm phát quay trở lại. Vậy thực chất của vấn đề này là gì?

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, ngay từ quý tư 2009, Chính phủ đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 sẽ phục hồi ở mức cao hơn so với năm 2009, kèm theo đó sẽ là áp lực tăng giá do hệ quả của các giải pháp nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ trong năm 2009 và tác động của việc giá cả thế giới tăng. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ sáu nhiệm vụ chủ yếu và năm nhóm giải pháp lớn để khôi phục, phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao, đồng thời khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của chính phủ trong đó có việc kiềm chế lạm phát ở mức cao quay trở lại, cân bằng giữa hai mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Những năm gần đây nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển dần từ nền kinh tế của một nước đang phát triển sang nền kinh tế của một nước công nghiệp hiện đại. Tiền lương, thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng hơn khiến lượng tiền trong lưu thông tăng ba, bốn thậm chí cả chục lần so với những năm trước.

Mặt khác, từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường buộc nhiều mặt hàng phải qua nhiều lần điều chỉnh giá (theo nguyên tắc tính đủ chi phí sản xuất) mới phù hợp và ổn định. Cho nên lạm phát ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tăng giá cùng lúc như thời gian qua: điều chỉnh giá xăng, hai lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái, rồi tăng giá than và giá điện khiến cho nhiều mặt hàng biến động tăng giá. Ở thị trường tự do, nhiều mặt hàng "té nước theo mưa" cho rằng Nhà nước tăng giá nên thương nhân cũng phải tăng giá, ảnh hưởng mạnh đến đời sống người lao động.

Ðể ngăn chặn lạm phát (giữ cho CPI xoay quanh mức 7-10%) trước hết chính sách tài chính của Nhà nước phải được tiếp tục theo hướng thực hiện tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước, ưu tiên giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, tập trung nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương. Các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục rà soát, tập trung bố trí vốn đầu tư cho các công trình quan trọng cấp bách, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010 - 2011. Kiên trì thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước. Các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường quản lý giá trên địa bàn, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền, bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa.

Ðặc biệt, việc tăng giá cần được thực hiện nghiêm theo lộ trình, không nên tăng liên tục trong thời gian ngắn, dễ gây biến động thị trường ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Bài học quản lý giá năm 2009 cho thấy, nhờ kiên trì thực hiện sự kiểm soát của Nhà nước trong điều hành giá áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để ổn định giá cả thị trường mà năm 2009 không có biến động lớn về giá cả hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế - xã hội với chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,52% thấp hơn chỉ tiêu 7% Quốc hội phê duyệt.

Về chính sách tiền tệ, cần phối hợp chặt việc phát hành trái phiếu chính phủ với công tác điều hành chính sách cung tiền tệ, chính sách lãi suất một cách linh hoạt, chủ động và thận trọng nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và huy động đủ nguồn vốn cho nhu cầu chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Quan trọng hơn là làm thế nào để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân tiếp nhận nguồn vốn ngân hàng. Vì đây là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm, cũng là khu vực đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên nhanh nhất. Cũng cần gỡ bỏ ngay giới hạn về lãi suất tiền gửi, thực hiện tốt chính sách lãi suất thỏa thuận không chỉ cho vay vốn trung dài hạn, cho vay tiêu dùng mà còn tất cả các loại tín dụng.

Muốn ngăn chặn được lạm phát cần phải cơ cấu lại nền kinh tế một cách thích hợp. Các bộ, ban, ngành thành phố, tỉnh cần phân tích lựa chọn những ngành, lĩnh vực sản xuất có lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả đồng thời phải phối hợp tốt trong việc chỉ đạo, điều hành và thực thi để cơ cấu lại nền kinh tế. Các ban, ngành chức năng cần thực hiện ngay các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và sản xuất hàng tiêu dùng nội địa; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng có lợi thế so sánh, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và sử dụng nhiều lao động; kiểm soát nhập khẩu thông qua việc rà soát cơ cấu lại danh mục, các mặt hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu. Có như vậy lạm phát mới được ngăn chặn một cách hữu hiệu.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực