Tiềm năng từ các mô hình nuôi cá mè tại các lòng hồ chứa

Thứ ba, 31/01/2023 16:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, mô hình nuôi cá mè tại các lòng hồ chứa đang cho hiệu quả kinh tế khá tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con sinh sống tại đây, đồng thời, đây cũng là mặt hàng được đánh giá có nhiều lợi thế để chế biến xuất khẩu.
leftcenterrightdel
 Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: B.T)

Phóng viên (PV): Trong chủ trương giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, ông có đánh giá như thế nào về các mô hình nuôi cá mè ở các lòng hồ thủy điện, thủy lợi?

Ông Trần Đình Luân: Trong tiềm năng lợi thế của ngành thủy sản, có tiềm năng từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong thời gian qua, chúng ta khai thác thủy sản hạn chế, vì thế, trong bối cảnh phục vụ cho cộng đồng người dân sống ở các khu vực hồ chứa và đặc biệt là những người phải dành đất để làm hồ và phải di chuyển lên vùng cao hơn thì việc tổ chức cho bà con có sinh kế để đảm bảo đời sống, ổn định kinh tế là việc cần thiết.

Chính vì thế, trong thời gian qua, Cục Thủy sản cùng với doanh nghiệp cùng với người dân địa phương đang xây dựng các mô hình sản xuất. Trong đó, cộng đồng bà con cùng nhau thả giống và nuôi cá mè, cùng nhau khai thác để bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, một mặt cho hiệu quả kinh tế khá là cao, góp phần đáp ứng đời sống của bà con tại địa phương, một mặt chúng ta bù lại sản lượng khai thác thủy sản của chúng ta giảm. Những nguồn nguyên liệu này giúp cho các nhà máy chế biến có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của chúng ta đề ra.

PV: Vậy ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ mô hình này?

Ông Trần Đình Luân: Hiện nay, một số thị trường có thị hiếu sử dụng đầu cá mè, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, cá mè được đánh giá là một sản phẩm có ưu thế. Sản phẩm thứ hai chúng ta sử dụng đó chính là thịt cá mè, để chúng ta phối trộn với một số sản phẩm thủy sản, nguyên liệu để chúng ta làm chả cá và các sản phẩm khác. Từ đó, chúng ta chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng.

PV: Hiện nay, sản lượng của ngành hàng này như thế nào và ông cho biết về định hướng phát triển của ngành hàng này trong năm 2023?

Ông Trần Đình Luân: Về phía các cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng nuôi cá mè phù hợp với bà con ở khu vực có hồ chứa do mức đầu tư thấp. Thứ nữa là, từ đây, chúng ta có nguồn chế biến để phục vụ cho xuất khẩu. Bước đầu, các mô hình thử nghiệm cho thấy khá thành công, các hộ gia đình khu vực miền núi hiện nay có thu nhập khá tốt từ mô hình này.

Trong năm 2023, Cục Thủy sản sẽ cùng với các doanh nghiệp và một số địa phương sẽ tiếp tục tổ chức cho bà con nuôi cá mè để khai thác tiềm năng lợi thế từ các hồ chứa, nhất là hồ chứa thủy lợi. Tôi tin rằng là năm 2023, mô hình này sẽ được nhân rộng nhiều hơn ở nhiều địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

B.T (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực