Tiếp tục đẩy nhanh giải ngân đầu tư

Thứ năm, 29/10/2020 20:36
(ĐCSVN) – Tinh thần này được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt khẳng định tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài diễn ra ngày 29/10.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức 03 cuộc hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có chuyển biến tích cực.

leftcenterrightdel
Hình ảnh Hội nghị trực tuyến (Ảnh: Chinhphu.vn) 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến 31/10/2020 là 321.529,41 tỷ đồng đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng; cùng kỳ năm 2019 đạt 49,83% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/10/2020 đạt trên 70%; có 18 Bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó, có 08 Bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương (tỉnh Đồng Nai) có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ đồng đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10/2020, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Khó khăn, vướng mắc trong giải ngân

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đó, vì hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu; thiếu thiết bị, vật tư tại các công trường xây dựng, quy định giãn cách xã hội nên nhiều địa phương phải dừng thi công một số dự án… ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các gói thầu xây lắp. Ví dụ Dự án “Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)” có trên 100 chuyên gia nước ngoài không đến được Việt Nam đúng theo kế hoạch, việc nhập khẩu thiết bị cho Dự án cũng bị ảnh hưởng.

Tiếp đến là một số vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, trong đó, việc áp dụng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc các chủ trương chính sách mới của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu. Thực tế, nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án/điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Ví dụ Dự án “Đường sắt đô thị tuyến số 2 thành phố Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo” chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án.

Ngoài ra, công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án cộng với vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình. Ví dụ: Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh Miền Trung”. Việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT,… cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc hấp thụ, giải ngân nhiều chương trình, dự án hiện nay. Việc cân đối vốn đối ứng ODA từ nguồn thu từ đất của nhiều địa phương tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp không bán được đất.

Thêm nữa là khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục cần được nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết.

leftcenterrightdel
 Điểm cầu chính tại Văn phòng Chính phủ, Hà Nội (Ảnh: chinhphu.vn)

Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cần thực hiện ngay các giải pháp gồm có:

Một là, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2020 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.  

Hai là, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.

Ba là, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án; Giải quyết các vướng mắc về thể chế, chính sách, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đi đôi với cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và thiết kế dự án, tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư trong quá trình thực hiện; Đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp để đảm bảo sử dụng hiệu quả khoản vay; Về lập, giao, phân bổ điều chỉnh kế hoạch: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán sau ngày 30 tháng 9 năm 2020; Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, hạn chế cân đối từ nguồn thu từ đất. Đặc biệt, kiểm soát chi, rút vốn và thủ tục giải ngân và tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao./.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực